YênBái – YBĐT – Liên tiếp trong tháng hai, tháng ba, toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy rừng, với diện tích hàng trăm héc ta. số vụ và diện tích cháy rừng lớn hơn cả năm 2005 và năm 2006 cộng lại. các vụ cháy đều xảy ra ở các huyện phía tây.
Trong những ngày đầu xuân Đinh hợi, chúng tôi có dịp cùng tham gia với các cán bộ khảo sát công trình của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Yên Bái khảo sát tuyến đường Bản Mù-Bắc Yên.
Chúng tôi đã đi xuyên qua những cánh rừng già âm u, vắng ánh mặt trời và nằm nghỉ dưới những tán cây pơmu 3-4 người ôm không xuể. Vậy mà, chỉ trong 3 ngày từ 14-17/3/2007 những cánh rừng xanh ngắt, vút tầm mắt ấy chỉ còn lại một mầu đen thui bởi sự thiếu ý thức của một số cá nhân.
Nhiều ha rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh bị thiêu rụi. Những nỗ lực của chính quyền, nhân dân Trạm Tấu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh, các ban ngành, đoàn thể huyện bạn Văn Chấn, Nghĩa Lộ và sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh, ngọn lửa hung hãn đã được kiểm soát, hàng trăm người tham gia cứu rừng chỉ thở phào nhẹ nhõm khi cơn mưa rào kèm đá trút xuống suốt đêm 17/3.
Trong tháng 2 và tháng 3 năm 2007, diện tích cháy rừng toàn tỉnh lớn hơn của cả năm 2005 và năm 2006 cộng lại. Năm nào cũng vậy, số vụ và số diện tích cháy rừng đều tăng.
Đành rằng thời tiết cuối năm 2006 và những tháng đầu năm 2007 diễn biến phức tạp, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, cộng với gió lào thổi mạnh nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy rừng xảy ra liên tiếp vẫn là sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong khi đốt nương rẫy và một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến đó là sự buông lỏng quản lý, không sâu sát dân của các cấp chính quyền cơ sở.
Từ đó, không kiểm soát được tình hình canh tác nương rẫy, để người dân tự do đốt nương, chỉ đến khi xảy ra cháy rừng mới phát hiện. Các vụ cháy lớn, nghiêm trọng đều xảy ra ở hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu là những địa phương có số diện tích nương rẫy nhiều nhất.
Chỉ tính riêng trong tháng hai và tháng ba năm 2007, Mù Cang Chải đã xảy ra 5 vụ cháy, trong đó có hai vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại xã Kim Nọi ngày 23/2 với diện tích bị thiệt hại 210,5 ha và xã Nậm Có ngày 15/3 cháy 170 ha.
Trong số 17 vụ cháy rừng của quý I năm 2007, thì đã có 10 vụ nguyên nhân do người dân đốt nương cháy lan sang rừng, 4 vụ cố ý, 3 vụ chưa rõ nguyên nhân. Việc xử lý với các trường hợp gây cháy rừng chỉ mới dừng lại ở xử phạt hành chính không có tác dụng răn đe.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân sâu xa là vấn đề lương thực của người dân vùng cao, vùng sâu luôn là vấn đề bức xúc. Nương rẫy vẫn là nguồn cung cấp lương thực chính của bà con nơi đây. Mỗi diện tích chỉ có thể canh tác trong một thời gian nhất định từ 2 đến 3 vụ, sau đó bà con lại bỏ hoang cho đất bạc màu, người dân lại tiếp tục đi tìm những vùng đất mới, xâm phạm vào cả rừng đang được khoanh nuôi bảo vệ.
Trong công tác PCCCR lấy phòng là chính, vì thực tế khi xảy ra cháy rừng khó có thể dập tắt ngay được, do vậy phải đầu tư kinh phí thoả đáng cho công tác bảo vệ PCCCR. Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác PCCCR do UBND tỉnh tổ chức tại huyện Trạm Tấu vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng để công tác PCCCR đạt hiệu quả thì bên cạnh công tác tuyên truyền phải tăng cường công tác phối hợp giữa 3 lực lượng: công an, kiểm lâm và chính quyền cơ sở.
Các lực lượng này phải thực hiện “3 cùng” với dân trong những tháng cao điểm xảy ra cháy rừng và cũng cần quy trách nhiệm cụ thế với những cán bộ nằm vùng trong ngành kiểm lâm, nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mình quản lý. Các vụ cháy rừng nguyên nhân đều do con người, chỉ có tăng cường quản lý về con người mới có thể giảm thiểu tình trạng này.
Anh Dũng