“4 tại chỗ”, “chủ động sống chung với lũ”… vẫn chỉ là những lời hô hào. Nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương vẫn còn làm một cách hình thức, đối phó nên mỗi mùa mưa bão đến, sinh mạng con người và của cải vẫn bị cuốn trôi.
Theo Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn, năm nay, có thể có 6-7 cơn bão mạnh từ cấp 10 trở lên ảnh hưởng đến nước ta, đặc biệt là những cơn bão hình thành ngay trên biển Đông, với diễn biến nhanh, cường độ mạnh, sức tàn phá lớn.
Liên tục trong các năm 2005, 2006 và 2007 đều có các cơn bão mạnh cấp 11, 12 đổ bổ vào nước ta. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thuỷ văn, nhận định, mùa mưa bão năm 2008 này, áp thấp và bão sẽ nhiều hơn bình thường. Số cơn bão hoạt động trên biển Đông khoảng trên 10 cơn, trong đó, có tới 6-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.
Tuy nhiên, khả năng chống chọi thiên tai của nước ta còn rất yếu! Lo ngại nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là vùng địa hình bằng phẳng và thấp, bị chia cắt bởi các hệ thống sông, kênh rạch với mật độ cao. Hầu hết nhà cửa của bà con vùng nông thôn rất đơn giản, chủ yếu làm bằng tre, mái lợp bằng lá hoặc tôn, chiếm khoảng 40% số nhà ở khu vực này. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Long An, cho biết, tỉnh này đã đề ra nhiều biện pháp phòng chống bão tố, lốc, nhưng thực tế khả năng chống đỡ rất kém, bởi phần lớn nhà cửa của tỉnh này không thể chịu nổi sức gió với tốc độ từ 80-100 km/h!
Bài học từ cơn bão Nargis cũng như kinh nghiệm đối phó với những cớn bão lớn vào Việt Nam những năm qua cho thấy, đối với ĐBSCL, khi có bão cần phải sơ tán dân. Nhưng nếu siêu bão với sức gió giật cấp 17 như Nargis đổ bộ vào ĐBSCL, vấn đề đặt ra là: sẽ di dời đi đâu để giảm thiểu thiệt hại? “Sơ tán vào trường học thì trường học cũng yếu. Nếu vào các đồn biên phòng thì với cấp gió này, đồn biên phòng cũng không chống đỡ nổi. Do vậy, nếu sơ tán tập trung vào một chỗ, thiệt hại về người có thể còn lớn hơn!” – Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Bộ Quốc phòng – lo lắng. Rõ ràng, nếu bão lớn xảy ra ở ĐBSCL thiệt hại sẽ là vô cùng lớn!
Trong khi đó, các tỉnh ven biển phía Bắc, như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh cũng rất lo ngại về khả năng chống chọi với bão lớn vì hệ thống đê biển của các tỉnh này đang có nhiều đoạn chưa được gia cố. Nam Định mới chỉ được cấp 400 tỷ đồng, trong tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng kiên cố hoá hệ thống đê biển. Hiện tỉnh này vẫn chưa thể hoàn thiện hệ thống đê biển vốn bị tàn phá nặng nề trong mùa mưa bão năm 2005. Còn Hải Phòng cũng chỉ được đầu tư 100 tỷ đồng, trong khi cần tới 1.100 tỷ đồng để nâng cấp, gia cố hệ thống đê biển.
“Phòng” đã hổng, “chống” lại hở! Đối với công tác ứng cứu thiên tai trên đất liền, đặc biệt là trên biển, Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, cho biết, lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn rất thiếu về trang thiết bị cũng như con người được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Bao nhiêu năm tìm cách “sống chung với lũ”, nhưng đến giờ này, đại tá Bùi Song Nhâm, Phó tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thừa nhận, phòng chống thiên tai chỉ tốt khi… diễn tập, còn khi bão lũ xảy ra thật thì lại vô cùng lúng túng. Thực tế phòng chống lụt bão ở Nghệ An và Quảng Bình, cho thấy, “4 tại chỗ” chỉ là khẩu hiệu!
Bão về thật, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp … “rối như canh hẹ”! Rối nhất là công tác quản lý tàu thuyền và nắm số liệu tàu thuyền trên biển. TW và địa phương đều bị động về số liệu tàu thuyền trước, trong và sau bão! Hệ quả là, công tác ứng cứu ngư dân trên biển không hiệu quả! Những chuyện này không còn mới lạ. Chỉ có điều, chúng ta chưa làm hết trách nhiệm cũng như sự tận tâm của mình. Điểm mấu chốt của vấn đề chính là Làm thực. Hiện nay, nhiều cấp, nhiều ngành và không ít địa phương vẫn còn làm hình thức, đối phó. Nên mỗi mùa mưa bão đến, sinh mạng con người và của cải vẫn bị cuốn trôi.
(Theo VOV)