YBĐT – Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai rầm rộ, trong đó nổi bật là việc triển khai huy động sức dân kết hợp với sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chí.
Vì vậy, thời gian này, cùng với chuyện cày bừa cấy hái, giá cả thị trường… đâu đâu cũng thấy chuyện người nông dân bàn hình thức đóng góp, mức đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn hay xây dựng nhà văn hoá…
Thực tế cho thấy: cũng một cơ chế đầu tư của Nhà nước và cùng huy động sức dân nhưng thôn A làm đường, làm nhà văn hoá thành công, thôn B thì thất bại. Qua kinh nghiệm của những địa phương thành công và cả thất bại, bài học chính rút ra là phải làm cho dân thông, dân hiểu để dân ủng hộ. Nhưng muốn thế không còn cách nào khác là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Muốn thực hiện quy chế dân chủ lại phải thực hiện tốt bốn nội dung: dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.
Muốn để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện. Người dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều việc các cấp chính quyền, đoàn thể sẽ làm gì để thực hiện chủ trương đó. Ví dụ như trường hợp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường hợp thất bại do cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể nóng vội, người dân chưa thông suốt, nhiều người nhận thức chưa đúng, coi đây là chương trình Nhà nước đầu tư…
Nơi thành công là nơi đã tuyên truyền tốt để người dân nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này mục đích nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân mà cùng với sự đầu tư của Nhà nước có vai trò đóng góp rất lớn của cộng đồng dân cư. Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, sẽ chỉ hỗ trợ được kỹ thuật, vật liệu với mức 40%, 60% hay 90% còn lại để hỗ trợ tiền công, giải phóng mặt bằng và công lao động phải trông vào sức dân v.v… Khi người dân được biết và hiểu kỹ vấn đề, sẽ xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực ủng hộ.
Cùng dân biết, để “dân bàn”, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể mà trực tiếp người lãnh đạo, người dân bầu phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của dân. Trong những cuộc họp thôn, xóm, dân có quyền được hỏi, được bàn bạc và đưa ra ý kiến của mình. Trên thực tế, những điểm có phong trào tốt là do trước tiên người dân có quyền bàn bạc lựa chọn những công trình nào thiết thực với họ để thực hiện trước sau đó mới bàn đến việc đóng góp. Về đóng góp, có địa phương thực hiện thu theo nhân khẩu, có nơi thu theo hộ, nơi khác thu theo diện tích đất được hưởng lợi… Nhưng dù phương pháp này hay phương pháp khác, kinh nghiệm cho thấy, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình thống nhất thành ý kiến tập thể thì mọi việc sẽ “xuôi chèo mát mái”.
Là công trình phục vụ ngay chính người dân, người dân cần được thụ hưởng không chỉ khi công trình đưa vào sử dụng mà cả trong quá trình triển khai thực hiện. Trên thực tế tại nhiều nơi, do đời sống khó khăn, nhiều hộ chỉ có thể hiến đất, đóng góp vật liệu chứ không có khả năng đóng góp bằng tiền. Vì vậy, những nơi triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cần tính toán, linh hoạt để bất cứ người dân nào cũng có thể tham gia trong khả năng mình có. Nhiều phần việc người dân có thể tự đảm nhận như đào đất, đắp rãnh hay trộn, đổ bê tông, xây cất…, có địa phương lại thuê mướn ở bên ngoài gây những hiểu lầm không đáng có, chưa nói đến việc vì làm phục vụ cho bản thân và cộng đồng, người dân sẽ tham gia có ý thức hơn.
Không chỉ được “biết”, được “bàn”, được “làm”, dân còn phải được“kiểm tra”. Về tâm lý, khi đã đóng góp, ai cũng muốn biết số tiền của, công sức đó được sử dụng như thế nào. Tìm hiểu tại nhiều nơi có phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh như: Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái… với việc giám sát của ban giám sát do nhân dân trực tiếp bầu ra là người có uy tín, có trình độ… đã tạo niềm tin trong cộng đồng cũng như góp phần nâng cao chất lượng công trình.
Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn cần sự tham gia đóng góp tích cực của người dân mới thành công, việc phát huy dân chủ cơ sở trong tất cả các lĩnh vực nói chung, trong đó có huy động xây dựng cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Dân chủ cơ sở là chìa khoá tạo sự thành công ở mỗi địa phương.
Nguyễn Đình