YênBái – 70 năm qua đi, song những ký ức hào hùng về Chiến thắng Tây Bắc vẫn còn vẹn nguyên và là niềm tự hào của Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc.
Tây Bắc có vị trí chiến lược đối với vùng Bắc Đông Dương, ở đây quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, khống chế bên sườn, sau lưng và chia cắt giữa Việt Bắc với Liên khu 3; đồng thời, che chở cho chúng ở Thượng Lào. Tuy nhiên, lực lượng địch ở đây mỏng và yếu, chúng có 8 tiểu đoàn; trong đó, có 5 tiểu đoàn ngụy Thái và 3 tiểu đoàn cơ động Âu – Phi.
Ngoài ra, còn có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng. Địch chia làm 4 phân khu đóng ở trên 144 cứ điểm cấp trung đội, đại đội, riêng ở Nghĩa Lộ, Mộc Châu, mỗi nơi có một tiểu đoàn. Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường và đề nghị của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu, đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc, giải phóng một phần đất đai. Lực lượng ta tham gia Chiến dịch gồm: các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, hai đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt.
Đợt 1: từ ngày 14 đến 23/10, tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, đập tan toàn bộ phòng tuyến vành ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai.
Đợt 2: từ ngày 7 đến 22/11, ta vượt sông Đà, tiến công hệ thống phòng ngự của địch trên cao nguyên Mộc Châu, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản. Đợt 3: từ ngày 30/11 đến 10/12, ta tiến công Nà Sản không thành và kết thúc Chiến dịch.
Kết quả, ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội địch, giải phóng khoảng 28.500 km2 và 25 vạn dân. Với chiến thắng này, hình thái chiến trường thay đổi có lợi cho ta. Ta đã giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược.
Các lực lượng vũ trang của ta tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn, hiệp đồng binh chủng cao hơn trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương; đặc biệt, bộ đội chủ lực của ta dần làm quen với cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh của địch. Đối với thực dân Pháp, thất bại ở Tây Bắc báo hiệu một mùa đông đáng lo ngại, mùa đông thứ tám của cuộc chiến tranh xâm lược đầy thất vọng.
Để ghi nhớ mốc son chói lọi đó, ngày 14/10/2022, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Hội thảo sẽ tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của thực dân Pháp trong thu – đông 1952; đặc biệt là âm mưu tập trung lực lượng, đẩy mạnh càn quét, bình định quyết liệt, hòng mở rộng và kìm kẹp chặt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh.
Phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổ chức sử dụng lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch.
Tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; quá trình thực hành phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, “vây điểm, diệt viện, phá điểm”, “đánh dài ngày, đánh liên tục, tiến từng bước chắc, sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển nhanh chóng”. Làm rõ các cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch.
Thông qua kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế – xã hội; củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của các tỉnh Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng từ sau chiến thắng Tây Bắc 1952 đến nay…
Tính đến ngày 6/10, Ban Tổ chức đã nhận được 95 bài tham luận, trong đó có nhiều bài của các nhân chứng lịch sử. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, khoa học, bám sát chủ đề Hội thảo.
Nội dung các tham luận đánh giá, phân tích, làm rõ về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy trong Chiến dịch tiến công Tây Bắc năm 1952 và tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia chiến dịch; vai trò của quân và dân trên địa bàn chiến dịch cũng như cả nước.
70 năm trôi qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cùng nhân dân vùng Tây Bắc dựng xây đất nước giàu mạnh, đáp lại sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
Quang Thiều