YBĐT – Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ khá hấp dẫn đối với những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi ở ngoài tỉnh về làm việc, công tác tại địa phương mình.
Qua việc ban hành, thực hiện chính sách này, một số tỉnh, thành phố không chỉ chống được tình trạng “chảy máu” chất xám ra ngoài tỉnh, ra các công ty, tập đoàn nước ngoài mà còn thu hút được khá nhiều nhân tài trên nhiều lĩnh vực từ các tỉnh, thành phố khác về làm việc tại địa phương mình. Ngược lại, một số tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nhân tài về tỉnh làm việc, nhưng không những không có kết quả mà còn để khá nhiều nhân tài ra đi. Vấn đề đặt ra là, các địa phương mới chỉ quan tâm đến việc đề ra chính sách, chứ chưa hề quan tâm đến việc đưa chính sách đó vào cuộc sống như thế nào để chứng thực hiệu quả của nó.
Tháng 9/2007, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số trong tỉnh. Phạm vi, đối tượng thu hút và khuyến khích khá rộng: “Cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đang công tác ở ngoài tỉnh và con em các dân tộc trong tỉnh, có trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương. Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy các chuyên ngành, các lĩnh vực có nhu cầu; tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp, thương mại và du lịch, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục- đào tạo, bưu chính viễn thông, phát thanh- truyền hình, tài nguyên và môi trường phù hợp với nhu cầu sử dụng của tỉnh…”.
Chính sách thu hút khuyến khích và đào tạo cán bộ cũng khá hấp dẫn: Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) thuộc các ngành cần thu hút từ tỉnh ngoài và con em các dân tộc trong tỉnh tình nguyện về Yên Bái công tác từ 5 năm trở lên được trợ cấp một lần ban đầu bằng tiền, đối với tiến sĩ là 50 triệu đồng, thạc sĩ 45 triệu đồng; chuyên khoa cấp II là 40 triệu đồng, chuyên khoa cấp I là 30 triệu đồng… Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy được hỗ trợ một lần khi mới nhận công tác: loại xuất sắc là 20 triệu đồng, loại giỏi là 15 triệu đồng…
Đối với cán bộ dân tộc thiểu số khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngoài việc hưởng trợ cấp chính sách theo quy định của Nhà nước còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp ưu đãi trong thời gian đi học: bồi dưỡng ngắn hạn là 300 ngàn đồng/tháng; đào tạo đại học cử tuyển là 540 ngàn đồng/ tháng; chuyên khoa cấp I, cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ 1 triệu đồng tháng…
Nhưng trên thực tế, việc thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích này vẫn còn một số hạn chế. Chính sách thu hút, khuyến khích được ban hành từ tháng 9/2007, chính thức được thực hiện năm 2008 và mới có đơn vị có hồ sơ đề nghị cho cán bộ, công chức hưởng chính sách này; năm 2009 có thêm một số cơ quan, đơn vị nhưng chủ yếu là y tế, giáo dục và đào tạo, còn hầu hết các huyện, thị xã, thành phố có rất nhiều cán bộ dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa đề nghị cho cán bộ được hưởng chính sách thu hút, khuyến khích của tỉnh.
Trong 2 năm (2008 – 2009), tỉnh đã chi ngân sách hỗ trợ cho 178 người (chủ yếu là hỗ trợ khuyến khích đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ). Còn về thu hút, thì mới thu hút được 2 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi về tỉnh làm việc. Đó là một con số còn rất khiêm tốn, vì mỗi năm Yên Bái có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong nước và nước ngoài, trong đó khá nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Một điều đáng buồn hơn, là từ khi thực hiện chính sách đến nay, Yên Bái chưa thu hút được một nhân tài nào là tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ ngoài tỉnh về làm việc thì lại có khá nhiều nhân tài chuyển đi các tỉnh, thành phố khác công tác, làm việc với nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là bác sĩ, dược sĩ thuộc ngành y tế và thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác tại ngành giáo dục – đào tạo).
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, thì việc các tỉnh, thành phố ban hành các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài về địa phương làm việc, công tác là một việc làm cần thiết để tránh tình trạng “chảy máu” chất xám ra ngoài phạm vi quốc gia. Song, bên cạnh việc ban hành chính sách thu hút nhân tài thì cũng cần phải quan tâm đến việc sử dụng và có chính sách đãi ngộ nhân tài hợp lý, thì mới “giữ chân” được các nhân tài làm việc, cống hiến toàn tâm, toàn ý phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của mỗi tỉnh, thành phố.
Minh Hằng