YBĐT – Năm học 2013 – 2014 đã bắt đầu thì câu chuyện lạm thu trong các nhà trường lại càng thêm nóng. Bởi đây không chỉ là nỗi lo thường trực của rất nhiều bậc phu huynh mà còn là đề tài “nóng” của toàn xã hội.
Năm nào cũng vậy, phụ huynh học sinh rất nhiều trường ở các địa phương trong tỉnh phải ngậm ngùi móc hầu bao cho cái gọi là “tự nguyện” và “hỗ trợ” mà nhà trường và các thầy cô giáo của con em mình đưa ra. Phụ huynh muốn đến nộp hồ sơ cho con dự thi vào trường L, sẽ được các cô giáo thông báo luôn: “Nhà trường xin các bậc phụ huynh ủng hộ một ít tiền để xây dựng sân trường! Tùy tâm thôi ạ, nhiều người đã ủng hộ rồi, mức ba trăm nghìn”.
Năm trước, trường tiểu học H vận động phụ huynh học sinh đóng góp mỗi người 100 nghìn đồng để nhà trường lắp một mái tôn rộng khoảng 20m2 làm nơi rửa rau trong khu nhà bếp cho sạch, đẹp bởi theo hiệu trưởng nhà trường thì: “Cứ thu, trường hơn 700 học sinh, chắc thu được 70 triệu đồng, làm thừa bao nhiêu lại chia đều, trả lại học sinh!”.
Đó là chưa kể đến hàng chục khoản thu khác trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học được giáo viên chủ nhiệm lớp liệt kê như: tiền mua quạt (dù lớp học đã treo đủ các loại quạt trần, quạt tường), mua chậu rửa, khăn lau, bóng điện, chổi quét, nước uống, tiền vệ sinh, bảo vệ, tiền thuê mướn giáo viên…, khoản nào đem ra hạch toán cũng quá đắt đỏ, nhưng nhiều nhất vẫn là khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất.
Về những khoản lạm thu này thì một trường mầm non ở thị trấn C, huyện T năm nào cũng bị “toét còi”, cho tới năm học vừa qua, phòng giáo dục huyện phải lập cả đoàn thanh tra vào cuộc thì tình trạng lạm thu mới được dừng lại. Còn một trường khác vận động phụ huynh đóng góp mua sắm trang thiết bị cực kỳ hiện đại để phục vụ công tác giảng dạy cũng như học tập, sinh hoạt của học sinh. Trường cứ thu và thu, phụ huynh cứ nộp và nộp, tất nhiên tiền vào có khác nhưng sẽ là rất khốn khổ cho những phụ huynh có mức thu nhập trung bình.
Trong câu chuyện lạm thu, phải nói rằng ngay từ lần gặp đầu tiên trong buổi họp phụ huynh, một số thầy cô đã nắm được những người có điều kiện, quan tâm đặc biệt đến chuyện học của các con, từ đó giới thiệu luôn mấy anh, chị ấy tham gia vào hội phụ huynh học sinh để tự do, dân chủ trong việc thảo luận và đưa ra mức đóng góp cũng như giám sát việc chi tiêu cho an toàn và chính xác, đồng thời là minh chứng rõ nhất cho các khoản đóng góp “hoàn toàn tự nguyện”.
Lo cho con đi học đang trở thành gánh nặng của rất nhiều hộ gia đình khi tình trạng lạm thu càng tiến triển và thay đổi mức đóng góp đến chóng mặt theo giá xăng, giá điện. Thực trạng này đang tạo dư luận xấu trong người dân khiến cho hình ảnh nhà trường và những người mẹ hiền thứ hai của trẻ em không còn đẹp đẽ, trong sáng như nhiều phụ huynh và học sinh mong đợi.
Đấu tranh với vấn nạn này, ngay từ bây giờ, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, tích cực, đặc biệt là thanh tra giáo dục cần phải sâu sát hơn trong công tác thanh tra tại các nhà trường, sớm có những văn bản hướng dẫn quy định rõ những khoản phải đóng góp, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để đông đảo phụ huynh học sinh đều được biết, được giám sát và cùng thực hiện. Ban giám hiệu các nhà trường cũng cần rút kinh nghiệm, không nên vận động thu tiền bừa bãi, chi tiêu vô tội vạ,làm xấu đi hình ảnh cao quý của người giáo viên nhân dân.
Lê Anh Đào