YênBái – Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh khu vực phía Tây Bắc, trong đó có Yên Bái liên tục xảy ra những đợt thiên tai bất thường, đặc biệt là dông lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu của người dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 4 đợt dông lốc, mưa đá, làm 1 người bị chết do sét đánh, 12 người bị thương; hư hỏng trên 5.000 nhà; thiệt hại trên 600 ha lúa và hoa màu; trên 70 công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cột điện bị gãy đổ… ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng.
Theo dự báo, thời tiết sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng bất thường, cực đoan, khó lường. Trong năm 2020, nước ta sẽ xuất hiện khoảng 10 – 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 3 – 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các địa phương trong tỉnh Yên Bái. Cùng với đó, có thể xuất hiện nhiều đợt mưa đá, dông, lốc lớn…
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản các sở, ngành, địa phương cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) tỉnh chỉ đạo, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTT trên địa bàn.
Các địa phương cần kiện toàn ban chỉ huy PCTT – TKCN các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các phương án sản xuất phù hợp với đặc điểm thời tiết; thường xuyên kiểm tra các công trình đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi…, có biện pháp xử lý kịp thời những hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; tăng cường hạ tầng thông tin, dự báo, cảnh báo về thời tiết, thiên tai.
Đồng thời, chủ động các giải pháp đảm bảo giao thông cho các tuyến đường, đặc biệt là tại những nơi có các tuyến đường độc đạo, đường xung yếu, cầu yếu; xây dựng phương án dự phòng các quỹ đất để di chuyển, sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm và triển khai các phương án đảm bảo, hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời cho nhân dân vùng thiên tai.
Đảm bảo cơ số thuốc để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh, cứu thương khi có tình huống xảy ra; lực lượng vũ trang tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán; xây dựng phương án, sẵn sàng phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị để ứng phó, hỗ trợ, chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu.
Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát, lên danh sách các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Thời tiết diễn diễn biến cực đoan, thiên tai sẽ khó lường. Chủ động ngay các phương án phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, ráo riết triển khai thực hiện.
Quang Thiều