YBĐT – Phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, đặc biệt phòng tránh nguy cơ xâm nhập virus cúm gia cầm chủng mới H7N9 vào nước ta qua đường gia cầm nhập lậu là việc làm cấp bách.
6 trong số 21 bệnh nhân của nước bạn láng giềng Trung Quốc (tính đến thời điểm ngày 8/4) đã tử vong do virus cúm gia cầm H7N9, loại bệnh trước đây chưa từng lây sang người.
Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng virus mới này, hiện chưa có vaccine phòng chống, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua đường gia cầm nhập lậu, đã đặt ra cho công tác phòng chống dịch bệnh trên cả người, gia súc gia cầm những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề hơn, đòi hỏi có sự vào cuộc của không chỉ cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng mà chính mỗi người dân.
Dù số ca tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm chủng mới H7N9 tại thành phố Thượng Hải và Tuy An, Trung Quốc mới chỉ dừng ở con số dưới 10 nhưng các địa phương của Việt Nam đang đứng trước đe dọa nguy cơ chủng vi rút cúm gia cầm mới này xâm nhập vào nước ta. Bởi trên thực tế, hoạt động nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới ở nhiều tỉnh phía Bắc như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai…. hiện vẫn diễn biến rất phức tạp, mà lợi nhuận từ hoạt động này theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường thì “chỉ xếp sau ma túy”.
Gà thải loại đông lạnh, gà “đầu trọc” nhập lậu từ Trung Quốc qua Móng Cái, Quảng Ninh chiếm tới trên 90%, đầu nậu cũng tập trung phần lớn ở Hà Nội và các điểm “nóng” này. Trong khi chưa thể kiểm soát được hoạt động nhập lậu gia cầm thì dịch lợn tai xanh lại đang có chiều hướng lây lan mạnh tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Hiện cả nước còn 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tái phát dịch lợn tai xanh. Dịch lở mồm long móng đang xuất hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh ….
Với riêng ngành chăn nuôi Yên Bái, dịch tai xanh lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh cùng thời điểm này năm trước đã làm 5.782 con lợn mắc bệnh, trên 3.400 con chết, gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế của nhiều nông hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh. Thêm vào đó, bệnh dại động vật lần đầu tiên xuất hiện ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải…., khiến công tác phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc gia cầm của tỉnh càng trở nên cấp thiết.
Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm năm 2013, mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương sớm kiện toàn và duy trì tốt hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các cấp; chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân và các hộ chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh ở động vật….
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Công điện khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm mới H7N9 cho người gây tử vong và lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm trong nước…
Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu viện trưởng các viện vệ sinh dịch tễ và giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có bệnh…
Phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, đặc biệt phòng tránh nguy cơ xâm nhập virus cúm gia cầm chủng mới H7N9 vào nước ta qua đường gia cầm nhập lậu là việc làm cấp bách. Trước mắt, cùng với việc các cơ quan chức năng quản lýchặt chẽ các hoạt động mua bán gia cầm, mỗi người tiêu dùng hãy nêu cao trách nhiệm khi lựa chọn gia cầm và các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm. Người chăn nuôi nên mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng đã qua kiểm dịch thú y…
Đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân trong việc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, tạo nền tảng bền vững cho ngành chăn nuôi địa phương phát triển, góp phần đảm bảo sức khỏe chung của toàn xã hội không còn là trách nhiệm của riêng ai mà mỗi người phải coi đó là trách nhiệm và việc cần làm của chính mình.
Phạm Minh