YBĐT – Từ cuối tháng 4 đến những ngày đầu tháng 5 này, cả nước đang trải qua nắng nóng lịch sử gay gắt với nền nhiệt trung bình từ 39 – 41 độ C, nhiều địa phương lên tới 42 – 43 độ C. >>Yên Bái chủ động PCCCR
Nắng nóng bất thường làm trẻ em, người già đổ bệnh, bệnh viện quá tải, tình trạng cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp 3, cấp 4 – cấp cực kỳ nguy hiểm.
Nắng nóng những ngày qua đã gây cháy hàng trăm ha rừng đặc dụng Nam Hải Vân (TP Đà Nẵng), rồi ở tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Ngãi. Trên địa bàn Yên Bái, ngày 3/5 tại thôn Nghĩa Xuân, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cũng đã xảy ra cháy gần 1 ha rừng khoanh nuôi tái sinh.
Theo dự báo, trong những ngày tới nắng nóng vẫn còn kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Do đó, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng đang là yêu cầu số 1 đối với các cấp chính quyền, ngành kiểm lâm, các chủ rừng lúc này.
Là lực lượng thường trực, trước hết, lực lượng kiểm lâm cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng nắm chắc, đánh giá đúng tình hình thực tế để xây dựng phương án và tiến hành đồng bộ các giải pháp PCCCR; tập trung tuyên truyền và vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng có trách nhiệm rà soát hiện trạng rừng được giao quản lý, rừng trồng, sửa chữa, làm đường băng cản lửa, thường xuyên tuần tra, kiểm soát những khu vực rừng có nguy cơ cao để thông tin, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, cần củng cố và phát huy vai trò của các ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến xã và tổ đội bảo vệ PCCCR; thường xuyên thông tin cấp dự báo cháy rừng để chủ động tuần tra, phát hiện dập lửa kịp thời. Kiểm lâm và chính quyền địa phương xây dựng phương án PCCCR cụ thể, đồng thời huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24h tại các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao để chủ động đối phó khi tình huống xảy ra.
Song song với đó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, sức người, phương tiện kỹ thuật, chủ động, kịp thời, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia ứng cứu, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các khu rừng có nguy cơ cao phải có đường băng cản lửa, có chòi quan sát và túc trực cả ngày đêm.
Một vấn đề hết sức quan trọng và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây cháy rừng ở Yên Bái trong nhiều năm qua là tình trạng đốt nương làm rẫy. Hiện nay vẫn đang là mùa bà con các dân tộc vùng cao đốt nương làm rẫy.
Do đó, chính quyền huyện, xã và thôn, bản phải giám sát tốt việc này, thậm chí, cán bộ xã, kiểm lâm viên cùng cán bộ thôn, bản xuống từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn đốt nương đúng kỹ thuật như đốt từ trên xuống dưới rồi sau đó mới đốt từ dưới lên trên và đốt vào thời điểm không có gió.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta quản lý tốt được việc đốt nương làm rẫy thì sẽ giảm được trên 70% số vụ cháy rừng trên địa bàn. Qua thực tế đó, các cấp chính quyền cũng cần mạnh dạn nghiêm cấm việc đốt nương làm rẫy vào những thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay, dần tiến tới nghiêm cấm hẳn việc đốt nương làm rẫy, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây lương thực giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện nay, một số xã của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã làm khá tốt việc chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô.
Để giữ được những cánh rừng luôn xanh tươi, bảo vệ môi trường ngoài sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, lực lượng kiểm lâm luôn luôn cần có sự vào cuộc của toàn xã hội và hơn ai hết là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Thanh Phúc