YBĐT – Mùa khô hanh năm 2011 – 2012, Yên Bái chỉ xảy ra 12 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại gần 23 ha, chủ yếu là rừng mới trồng. So với cùng kỳ, đã giảm 14 vụ với 55,9 ha – đó là một kết quả tốt, đáng biểu dương.
Hoan nghênh hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, từ chỗ là những địa phương trọng điểm cháy rừng những năm trước, niên vụ 2011 – 2012 số vụ cháy rừng và diện tích rừng thiệt hại do cháy giảm mạnh, riêng huyện Trạm Tấu không để xảy ra vụ cháy rừng nào lớn.
Có kết quả tích cực trên là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, ngành kiểm lâm Yên Bái chủ động tổ chức, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR; công tác quản lý, bảo vệ rừng của các địa phương và chủ rừng dần đi vào nề nếp; ý thức bảo vệ rừng, nhất là PCCCR của nhân dân được nâng lên.
Từ thực tiễn và kết quả công tác PCCCR thời gian qua, có thể rút ra hai kinh nghiệm chủ yếu. Một là, phải quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra việc làm nương và đốt nương ở vùng cao, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân làm nương theo quy hoạch, đốt nương theo quy trình. Hai là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, tăng cường phối hợp trong quản lý, bảo vệ và PCCCR của chính quyền cơ sở, chủ rừng và các ngành tham mưu, phối hợp.
Mùa khô hanh năm 2012-2013, theo dự báo, nhiệt độ không khí trung bình cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng sẽ rất cao. Để chủ động phòng và ngăn chặn có hiệu quả, các ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 1685/2011/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 30/10/2012 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô hanh năm 2012 – 2013.
Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là ban chỉ huy PCCCR các cấp, nhất là các địa phương trọng điểm cháy rừng và cấp cơ sở phải củng cố, kiện toàn tổ chức và lực lượng xung kích PCCCR; củng cố, bảo đảm hệ thống mạng lưới dự báo, cảnh báo cháy rừng hoạt động hiệu quả; tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ việc làm nương, đốt nương trên địa bàn, nhất là nương rẫy gần rừng; tăng cường phổ biến, hướng dẫn nhân dân chấp hành, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.
Ban chỉ huy PCCCR các cấp tăng cường và duy trì thường xuyên lực lượng ứng trực, xung kích, ứng cứu; tích cực tuần tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến rừng – nhất là địa bàn cấp xã và các đơn vị quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Lực lượng liên ngành duy trì hoạt động, thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở, hỗ trợ chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, đốt rừng trái phép; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, các chủ rừng và cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy rừng.
PCCCR là nhiệm vụ rất quan trọng, cháy rừng luôn là thảm họa lớn, nhất là hiện nay đã bước vào mùa khô hanh, ở các huyện vùng cao phía Tây diễn biến thời tiết có nhiều phức tạp, bất lợi cho công tác PCCCR. Đặc biệt, chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến dịp nghỉ tết Dương lịch, tết của đồng bào Mông và tết Nguyên đán – đây là thời gian các hoạt động lợi dụng phá rừng và gây cháy rừng sẽ tăng cao. Do vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành và cấp cơ sở cần tập trung tổ chức, thực hiện, không để cháy rừng.
Tuấn Anh