YBĐT – Theo báo cáo của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận có 17 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra ở 5 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Đó là các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Nghệ An; 3 ổ dịch tai xanh xảy ra tại 2 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, gồm: Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ.
Tại Yên Bái, tính đến ngày 15/11, đã có 156 con gia súc mắc bệnh LMLM. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, dịch bệnh LMLM xảy ra từ ngày 7/10 – 10/11/2015 tại 7 thôn thuộc 3 xã là Chế Tạo, Nậm Khắt (Mù Cang Chải), Túc Đán (Trạm Tấu).
Các ổ dịch vừa xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một vài hộ chưa được tiêm phòng vắc – xin cúm gia cầm và đã được chính quyền địa phương, cơ quan thú y phát hiện, xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan.
Trong thời gian qua, các ổ dịch LMLM xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi ở các xã vùng sâu còn lạc hậu, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn khá phổ biến, khiến nguy cơ mầm bệnh phát tán làm dịch lây lan rộng trong các vùng là rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện khẩn số 8385/CĐ-BNN-TY ngày 12/10/2015 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Trên cơ sở Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cũng đã có Công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp, các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, chính quyền cơ sở, các ban, ngành địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng, chống dịch lây lan vào địa bàn và ứng phó kịp thời khi có ở dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, khai báo với chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, chết bất thường.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng chương trình tiêm phòng vắc – xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đối với những bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, LMLM và Tai xanh.
Riêng đối với bệnh cúm gia cầm, hiện nay do vi rút cúm đã lưu hành trong đàn thủy cầm, đàn chim hoang dã và chim di trú tại rất nhiều địa phương. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào trong nước qua nhiều đường, vì vậy biện pháp chủ đạo vẫn phải tiếp tục tiêm phòng vắc – xin, đồng thời tăng cường giám sát ổ dịch, giám sát lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm.
Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt là các tỉnh có dự án cung ứng con giống gia súc, gia cầm để xóa đói giảm nghèo, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc – xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Thanh Tân