YBĐT – Mặc dù những tháng qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhưng theo dự báo, trong những tháng còn lại của năm, do biến đổi thời tiết nhiều dịch bệnh mùa đông nguy hiểm có thể có thể xảy ra như dịch cúm A/H5N1, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS)…
Để phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho ngành Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn đối với tuyến dưới; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ y tế huyện xã, tập huấn phòng chống dịch cúm A/H5N1, thành lập đội cơ động tuyến tỉnh, huyện, xã; công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở được tăng cường, nhận báo dịch hàng ngày, hàng tuần của 9/9 huyện, thị xã, thành phố để báo cáo Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương theo đúng qui định; tổ chức giám sát dịch bệnh tại Khoa Lây Bệnh viện tỉnh, và các huyện thị, thành phố.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được duy trì, với tỷ lệ tiêm đầy đủ 7 loại vác xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 77.19%, tiêm uốn ván cho phụ nữ 15 – 35 đạt 100% kế hoạch, không có tai biến sau tiêm chủng, chưa phát hiện có ca bệnh trong chương trình tiêm chủng… Từ việc triển khai đồng loạt các giải pháp, nhiều dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế và giảm mạnh, như: lỵ trực tràng giảm 81,1%, viêm não vi rút giảm 17%, viêm gan vi rút giảm 76%, cúm giảm 74,5%…
Bên cạnh những mặt đã đạt được, thì việc kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch vẫn chưa được các đơn vị quan tâm đứng mức, đặc biệt là tại tuyến xã, phường. Vì vậy, khi có dịch xảy ra rất lúng túng, xử lý chậm. Chất lượng báo dịch còn hạn chế, bỏ sót ca bệnh, nhiều nơi còn chưa quan tâm đến công tác giám sát dịch, chưa lồng ghép việc giám sát với các hoạt động khác tại cơ sở, chưa quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…
Do đó, dù không có dịch bệnh lớn xảy ra, song qua 9 tháng, các bệnh truyền nhiễm có số người mắc cao vẫn có chiều hướng gia tăng: dịch bệnh APC – Adeno virút 449 ca, tăng 178,8%; thủy đậu – Zona 253 ca, tăng 162%; tiêu chảy 2.986 ca, tăng 101,8%… Đặc biệt, số bệnh nhân bị chó cắn nghi dại tăng đột biến với 1.942 ca, tăng 195,1% trong đó có 19 ca đã tử vong…
Khi thời tiết giao mùa từ thu sang đông tình hình dịch bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình quốc gia y tế, chương trình an toàn thực phẩm, dinh dưỡng… Ngành y tế và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các xã vùng cao vùng dân tộc ít người; khắc phục tình trạng chủ quan; chủ động giám sát kịp thời phát hiện các dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan, kéo dài.
Để làm được việc đó, ngành chuyên môn cần phối hợp với các địa phương chủ động giám sát bệnh tại các tuyến, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời khi có dịch xảy ra, chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo dịch chính xác kịp thời; giám sát trọng điểm bệnh cúm trong mùa đông xuân từ tỉnh huyện đến cơ sở, đảm bảo các ca bệnh, chùm bệnh nghi ngờ được giám sát, 100% ca bệnh nghi ngờ cúm A/H5N1 được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm theo qui định. Chủ động về phương tiện vật tư, thuốc men để chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra.
Hơn hết, mỗi người dân cần có ý thức phòng bệnh cho bản thân gia đình và cộng đồng, thực hiện việc ăn sạch, uống sạch, ở sạch, đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi bị bệnh, cần đến khám và điều trị theo chỉ định của bác sỹ.
Nguyễn Đình