YBĐT – Sau một thời gian khá dài dịch cúm gia cầm tạm thời lắng dịu, nhưng trong hơn một tháng gần đây, dịch đã bùng phát trở lại và đang có chiều hướng lan nhanh.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã có dịch cúm gia cầm vi rút H5N1, hàng trăm ngàn con gia cầm nhiễm bệnh đã chết và phải tiêu hủy.
Đầu năm 2014 có 2 ca mắc cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp, cả 2 đều đã tử vong. Trước khi nhập viện, 2 trường hợp đều tham gia giết mổ và ăn thịt gia cầm. Cục Y tế Dự phòng nhận định, dịch cúm H5N1 trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ xuất hiện cúm A/H5N1 trên người. Hơn nữa, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) giáp với các tỉnh biên giới Việt Nam đã có ca bệnh trên người, xét nghiệm trên đàn gia cầm có vi rút H7N9 nên nguy cơ lan dịch sang Việt Nam rất cao.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, trước tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ và buôn bán gia cầm thiếu kiểm dịch thú y thì dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Dẫu đã qua tết Nguyên đán, nhưng đi trên các trục đường, các khu chợ từ thành phố đến nông thôn đều dễ dàng bắt gặp nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm không hề qua kiểm dịch.
Tình trạng chăn nuôi trong các trang trại, hộ chăn nuôi gia đình đã dần hồi sinh sau một thời gian dịch bệnh và bão giá, hiện tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đã đạt gần 5 triệu con. Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngay trước tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn gửi các địa phương, các ngành tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả dịch cúm gia cầm cũng như cúm A/H5N1, H7N9.
Tuy nhiên, qua quan sát, tại các điểm chợ trung tâm thành phố Yên Bái như chợ Km6, chợ Km4, tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra khá thoải mái. Các cơ quan chức năng hầu như không thể kiểm soát, người dân thì rất thờ ơ, chủ quan. Tại những điểm gia cầm đã giết mổ chỉ số ít có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, còn lại là không. Trên các tuyến đường, những bu gà, ngan, vịt vẫn cứ rong ruổi mọi ngõ ngách, phố phường. Ai có thể dám chắc chúng không mang mầm bệnh?
Vì sự cấp bách này, để hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan cần khẩn trương vào cuộc, ổn định thị trường buôn bán gia cầm, siết chặt quản lý trên khâu lưu thông nhất là sản phẩm gia cầm đưa về từ các tỉnh biên giới. Xử lý thật nghiêm những người không chấp hành, cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi người dân cần biết tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh khi chỉ buôn bán, giết mổ gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Các hộ chăn nuôi khi thấy gia cầm có biểu hiện bệnh, chết cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xét nghiệm, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch. Tuyệt đối không sử dụng gia cầm chết, mắc bệnh. Ngành y tế tiếp tục duy trì giám sát chặt chẽ dịch bệnh và có phương án xử lý khi có dịch ở người để giảm thiểu nguy cơ tử vong và xử lý triệt để các ổ dịch.
Thanh Phúc