YênBái – YBĐT – Để bảo đảm cho chăn nuôi phát triển, ngành nông nghiệp, các huyện, thị thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, chuồng trại, khu đông dân cư, nơi buôn bán, giết mổ gia cầm, gia súc. UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 03/04/2008 gửi các huyện, thị, thành phố; Chi cục Thú y có công văn yêu cầu các trạm thú y thiết lập, củng cố các chốt kiểm dịch…
Sau một thời gian khá dài, chúng ta đã khống chế được dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, dịch bùng phát trở lại với mức độ dữ dội hơn. Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 12 tỉnh, thành phố, dịch lợn tai xanh đã bùng phát ở 410 xã thuộc 28 huyện của 5 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình… Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn thì dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh có thể bùng phát ở bất cứ địa phương nào nếu chúng ta không chủ động phòng chống.
Tại Yên Bái, cho đến ngày 17/4, vẫn chưa phát hiện dịch cúm gia cầm H5N1, dịch lợn tai xanh, nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là, bởi dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 2.700 ngàn con gia cầm, thủy cầm và trên 100 ngàn con lợn, tập trung chủ yếu ở vùng thấp.
Để bảo đảm cho chăn nuôi phát triển, ngành nông nghiệp, các huyện, thị thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, chuồng trại, khu đông dân cư, nơi buôn bán, giết mổ gia cầm, gia súc. UBND tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 03/04/2008 gửi các huyện, thị, thành phố; Chi cục Thú y có công văn yêu cầu các trạm thú y thiết lập, củng cố các chốt kiểm dịch: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn để kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, gia súc và sản phẩm gia súc vào địa bàn tỉnh; tiêu hủy và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm lợn chưa qua chế biến chín, không rõ nguồn gốc vào địa bàn Yên Bái.
Tình trạng nuôi vịt chạy đồng và vận chuyển, buôn bán gia cầm không có kiểm soát vẫn diễn ra phổ biến. |
Các huyện, thị thành lập các ban chỉ đạo, cán bộ chuyên môn giám sát dịch bệnh từ cấp xã đến các thôn bản, đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể cùng với lực lượng thú y chủ động giám sát dịch bệnh; tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể nhân dân, hộ chăn nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu gia cầm, lợn chết phải báo cho chính quyền và cán bộ chuyên môn, tổ chức bao vây, khoanh vùng dập dịch và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong năm 2007, đã tiến hành tiêm 4.735 ngàn liều vắc xin cúm gia cầm, đạt 79,2% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, đã tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc được 3 lần ở 139 xã cho 76.965 hộ chăn nuôi, 55 chợ và các nơi công cộng có khả năng phát dịch cao với tổng diện tích bề mặt trên 4.433 nghìn m2. Ngay trong những ngày đầu tháng 4/2008, đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ, triển khai các bước cho tiêm vắc xin cúm gia cầm đợt I năm 2008 với dự kiến tiêm trên 2 triệu liều. Đến ngày 15/4, các huyện đã đồng loạt tổ chức tiêm đến từng hộ chăn nuôi và phấn đấu đến hết ngày 25/4 tiến hành tiêm xong.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Trấn Yên cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp, huyện Trấn Yên, về việc chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh, Trạm Thú y huyện đã tiến hành tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tới tất cả các xã, thôn, bản. Hiện nay, huyện đang tiến hành tổ chức tiêm vác xin cúm gia cầm đợt I năm 2008. Đến nay, các bước chuẩn bị đã hoàn tất và từ ngày 14/4 đồng loạt các xã tiến hành tổ chức tiêm phòng, do làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là các hộ chăn nuôi đã có nhận thức đúng đắn về dịch bệnh và phối hợp rất tốt. Cứ đà này, Trấn Yên tiến hành tiêm vác xin đợt I cho trên 420 nghìn con gia cầm, thủy cầm trước ngày 20/4”.
Chúng tôi đã xuống xã Nga Quán và được chứng kiến việc tiêm vắc xin cúm gia cầm ở nơi đây. Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc Hùng cho biết: “Nga Quán là xã thuần nông, đời sống bà con nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là chính. Những năm trước đây, Nga Quán cũng là địa phương có ổ dịch cúm gia cầm của tỉnh, người dân đã hiểu rất rõ tác hại, hậu quả của dịch bệnh.
Do vậy, công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch không còn khó khăn như trước đây. Theo thống kê từ các thôn, toàn xã hiện có trên 12 ngàn con gia cầm và thủy cầm, nhưng trong đó chỉ có 10 nhà có số lượng nuôi trên 100 con, còn lại là nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Mặc dù quy mô không lớn, song nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng công nghệ chăn nuôi gia cầm an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tiêm đạt kết quả cao, xã thành lập 8 đội tiêm, gồm: cán bộ thú y, cán bộ y tế và trưởng thôn và xã phân công đồng chí phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Nhờ vậy, chỉ trong hai ngày 16 và 17/4 đã cơ bản tiêm hết số gia cầm, thuỷ cầm”.
Qua đó cho thấy, các địa phương đang rất chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh với nỗ lực cao nhất. Mặc dù vậy, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương không được phép chủ quan, lơ là, đặc biệt trong công tác giám sát dịch bệnh. Ngành nông nghiệp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân, người chăn nuôi và các hộ buôn bán về dịch cúm H5N1 và dịch lợn tai xanh; chú trọng công tác kiểm soát, giết mổ gia cầm trên địa bàn, nhất là các chợ trung tâm, đầu mối. Mỗi người dân khi phát hiện thấy có gia cầm, lợn chết bất thường phải tiến hành cách ly và báo với cơ quan chức năng, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm, gia súc ốm chết.
Thanh Phúc