YBĐT – Một mùa đông nữa lại đến và được dự báo khí hậu sẽ rất khắc nghiệt hơn mọi năm. Nếu như các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở và mỗi người dân không có những biện pháp cụ thể để phòng tránh thì thiệt hại lớn về kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi.
Trong một vài năm trở lại đây, diễn biến thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh ngày càng khắc nghiệt và khó lường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông-lâm nghiệp. Năm 2008, rét đậm, rét hại kéo dài làm chết trên 4.230 con trâu, bò, ngựa và gần 4 ngàn ha lúa, hàng trăm tấn mạ. Vụ đông 2010 – 2011, rét cũng đã gây thiệt hại lớn, hàng trăm ha cây trồng vụ đông, gần ngàn ha lúa bị ảnh hưởng, trên 7 ngàn con gia súc bị chết rét… thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng.
Vẫn biết thiên tai khắc nghiệt dẫn tới thiệt hại nặng nề cho sản xuất và chăn nuôi nhưng sẽ giảm thiểu thiệt hại nếu chúng ta biết cách phòng tránh tốt. Tuy nhiên, trong thực tế công tác phòng, chống rét chưa được chủ động và hiệu quả chưa cao. Trước tiên, do các ngành chức năng và chính quyền cơ sở thiếu kiên quyết trong chỉ đạo mùa vụ, áp dụng tiến bộ vào sản xuất, cùng với thói quen thả rông gia súc, sự lơ là của người dân dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.
Là tỉnh miền núi mỗi khi mùa đông về thường có rét đậm, rét hại và sương muối thế nhưng chúng ta lại không chủ động phòng tránh trước như: gieo mạ che nilon, làm chuồng nuôi nhốt và dự chữ thức ăn cho gia súc. Khi rét về, lúa mạ, trâu, bò, ngựa chết mới “nháo nhào” phòng chống và bất lực nhìn trâu, bò, ngựa chết vì không có nguồn thức ăn dự trữ, chuồng trại thì tạm bợ, nhiều gia đình ở vùng cao mới lên rừng lùa gia súc về vì trước đó còn thả rông.
Bên cạnh đó, rất nhiều hộ gia đình ở vùng cao có phong trào chăn nuôi tốt nhưng lại không trồng cỏ bổ sung thêm nguồn thức ăn mà chủ yếu dựa vào “tự nhiên” dẫn đến không chủ động được. Những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra là quá rõ, nhiều gia đình đã nghèo, qua mỗi mùa đông giá rét lại càng nghèo thêm, có gia đình vừa thoát nghèo, lại rơi vào tình trạng hộ nghèo.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mùa đông giá rét, ngay từ bây giờ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống rét cho sản xuất, gia súc, gia cầm như: làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, dự chữ nguồn thức ăn như rơm, rạ và bổ sung khoáng chất, tinh bột cho gia súc. Khi gieo mạ cho lúa vụ xuân phải áp dụng khoa học kỹ thuật như làm mạ khay, mạ che nilon và tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, không cấy vào những ngày nhiệt độ xuống thấp…
Về lâu dài, chúng ta phải sản xuất thích ứng với sự biến đổi khí hậu là: chọn bộ giống thay thế phù hợp, năng suất, chất lượng cao và thích nghi với tiểu vùng sinh thái. Song song với đó cần xác định lại cơ cấu mùa vụ cho hợp lý, làm sao vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo sản xuất luân canh ba vụ trong năm mà vẫn cho hiệu quả.
Để làm được việc đó phải có sự nghiên cứu kỹ và huy động sự vào cuộc của các nhà khoa học kết hợp với những kinh nghiệm trong nhân dân. Một vấn đề cũng rất quan trọng là cần tăng cường hơn nữa việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con nông dân, cần có chính sách hỗ trợ đồng bào vùng cao làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ chăn nuôi.
Thậm chí cần tổ chức ký cam kết bắt buộc các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại, có nguồn thức ăn dự trữ và nghiêm cấm chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Chỉ hỗ trợ khi lúa, mạ, gia súc, gia cầm chết rét khi đã tuân thủ các quy trình chống rét chứ không hỗ trợ tràn lan như trước đây.
Một mùa đông nữa lại đến và được dự báo khí hậu sẽ rất khắc nghiệt hơn mọi năm. Nếu như các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở và mỗi người dân không có những biện pháp cụ thể để phòng tránh thì thiệt hại lớn về kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi.
Thanh Phúc