YBĐT – Nhiều năm trở lại đây, Yên Bái liên tục bị thiệt hại lớn về người và của do thiên tai gây ra. Nhiệm vụ phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là một nhân tố bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân.
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào năm 2005 tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn và các huyện, thị phía Tây đã cướp đi sinh mạng của 51 người dân cùng nhiều tài sản, hoa màu, tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong tháng 8-2008 trên địa bàn thành phố Yên Bái đã làm chết 4 người, 673 hộ nhà dân bị sạt ta luy. Năm 2007, 2008, lũ trên sông Hồng và lũ quét tại huyện Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên làm trên 30 người chết và mất tích…
Có thể nói, thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nặng nề. Vẫn biết thiên tai không tránh khỏi do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng chúng ta vẫn có thể phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của. Trước hết đó là hoạch định một chiến lược, kế hoạch hành động nhất quán, lâu dài đối với thiên tai trong nhịp sống của chúng ta. Để làm được điều đó, trước tiên cần hiểu được bản chất của thiên tai, ảnh hưởng của nó đối với từng người và cộng đồng. Sức mạnh của cộng đồng được nhân lên một khi trách nhiệm trước Đảng, trước dân của bộ máy nhà nước các cấp được nâng cao. Ví như ở vùng cao, vùng sâu, vùng ven bờ sông, bờ suối thường có lũ quét khi mưa to ở thượng nguồn, ngập úng do ách tắc dòng chảy, sạt lở ta luy khi mưa lớn và đào đánh ta luy không theo quy trình kỹ thuật… cần có sự chủ động phòng tránh mỗi khi mùa mưa đến. Sự chủ động đó phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Trong thời gian qua, Yên Bái đã triển khai và đang có những quy hoạch, kế hoạch, hành động rất tốt trong việc di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét về nơi an toàn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những địa phương có biểu hiện chủ quan, lơ là. Hàng chục hộ dân xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ vẫn đang phải sống trong vùng nguy cơ lũ quét trên dòng suối Nậm Tộc. Hàng trăm hộ dân huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng nằm trong vùng di dời khẩn cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nơi tái định cư. Ngay trong lòng thành phố Yên Bái cũng có rất nhiều hộ dân vẫn hồn nhiên làm nhà cửa ngay dưới chân ta luy, nguy cơ sạt lở rất cao.
Một mùa mưa bão nữa lại đang về, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, trước mắt phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân. Các huyện, xã, phường, thôn bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống. Phải tiến hành đôn đốc và kiểm tra từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời nếu cần. Tập huấn, diễn tập các tình huống có thể xảy ra để chủ động đối phó với mọi tình hình. Về lâu dài, quan tâm phát triển kinh tế – xã hội phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường tự nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
Phòng chống, chủ động chắc chắn sẽ giảm tổn thất. Một mùa mưa lũ nữa lại đến và được dự báo là bất thường hơn mọi năm, nếu các địa phương và người dân không có những biện pháp cụ thể, phòng tránh thiên tai e rằng nước đến chân, nhảy cũng không kịp nữa!
Thanh Phúc