YBĐT – Không phải địa phương nằm trong vùng lũ hay mắt bão, nhưng hầu như năm nào Yên Bái cũng gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của. Mùa mưa lũ 2012 cũng không ngoại lệ, nỗi lo này đang đè nặng lên các cấp chính quyền và người dân. Tuy nhiên, nếu nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó vẫn có thể giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo dự báo của các nhà chuyên môn, cùng với sự biến đổi khí hậu, năm 2012 này tiếp tục là năm thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, đặc biệt dự báo bão sẽ nhiều hơn mọi năm. Do vậy, sự chuẩn bị tốt, thường xuyên để sẵn sàng đối phó với thiên tai và tiếp cận một cách khoa học để thích ứng, chế ngự hài hòa với thiên nhiên là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương để có quy hoạch, kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm sự phát triển ngày càng bền vững trong môi trường đầy biến động do thiên tai gây ra.
“Chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, đó là phương châm của công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) năm 2012 mà Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại Thông báo số 88/TB-VPCP. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2011. Trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng, chống phù hợp với tình hình thiên tai và điều kiện thực tế địa phương.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015, tầm nhìn 2020; chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu… vào quy hoạch, dự án cụ thể của địa phương. Công việc trước mắt là xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Rà soát, xác định các vùng nguy hiểm khi xảy ra mưa bão trên địa bàn, chủ động thực hiện các phương án di dời dân cư, chuẩn bị phương án sơ tán dân khi cần thiết.
Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, chủ động sửa chữa, khắc phục các sự cố trước mùa mưa bão; chuẩn bị các phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống.
Tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án củng cố, nâng cấp đê điều, hồ chứa nước cắt lũ, chống ngập. Nâng cao năng lực truyền thông phục vụ cảnh báo, ứng phó thiên tai một cách kịp thời, chính xác. Củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo PCLB – TKCN từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức ứng trực 24/24h để có những thông tin, quyết sách kịp thời giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Một thực tế thường xuyên xảy ra gây chết người trên địa bàn tỉnh trong những năm qua là việc sạt lở ta luy dương. Do đó, các cấp chính quyền và bản thân các hộ dân hãy tự kiểm tra, đánh giá phân tích mức độ an toàn trên phạm vi gia đình sinh sống, làm ăn để phòng tránh. Khi có mưa to, dài ngày nên sơ tán khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở ta luy và lũ quét, lũ ống. Đơn vị chức năng cũng cần rà soát, đánh giá lại 280 thiết bị đo mưa và các mốc, máy cảnh báo lũ quét đồng thời đầu tư, lắp đặt thêm phương tiện cảnh báo lũ quét tại vùng cao.
Sự phòng chống chủ động trong mọi tình huống chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả nên cần có sự hành động cụ thể của mỗi người dân và các địa phương trước mùa mưa bão năm nay.
Thanh Phúc