YBĐT – Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, thời điểm cuối vụ thời tiết nắng ấm lên sẽ là điệu kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh hại trên lúa phát triển mạnh.
Do thời vụ năm nay chậm hơn so với những năm trước từ 20 – 25 ngày nên diễn biến của các loại sâu bệnh sẽ phức tạp và rất khó lường.
Hiện nay, trên cánh đồng Mường Lò, mặc dù là khu vực cấy sớm nhất của tỉnh nhưng hiện lúa cũng mới chỉ đẻ 3 nhánh, một số diện tích đã cứng cổ bông. Trong khi đó cũng vào thời điểm này năm trước lúa đã vào kỳ làm đòng. Tình hình sâu bệnh vụ đông xuân năm nay có nhiều diễn biến phức tạp mới.
Do thời tiết rét đậm kéo dài trong tháng Giêng và nhiều đợt rét kéo dài liên tiếp sau đó làm cho lúa phát triển rất chậm. Đến thời điểm này, theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh thời vụ sẽ chậm lại khoảng 20 ngày. Chính điều này sẽ làm cho tình hình sâu bệnh diễn biến khó lường.
Ông Nguyễn Xuân Quý – Chi cục trưởng Chi cục BVTV lo ngại: “Thời vụ chậm lại 20 ngày, do vậy các loại bệnh phát sinh trong lúc lúa đẻ nhánh, cứng cổ bông như: rầy, đạo ôn, bạc lá… sẽ trùng với các loại sâu bệnh phát sinh khi lúa làm đòng như: sâu đục thân, thối thân, vàng lá sinh lý… Sự xuất hiện đồng thời của nhiều loại sâu bệnh sẽ rất khó xử lý”.
Cuối tháng 5 thời tiết ấm lên, nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, cây lúa phát triển mạnh sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Hiện có một số diện tích cấy giống Séng cù của Văn Chấn, Nghĩa Lộ có hiện tượng mắc bệnh lùn xoắn lá, đây là loại bệnh rất nguy hại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Hiện nay, Trạm BVTV thị xã Nghĩa Lộ đã lấy mẫu gửi Cục BVTV xét nghiệm.
Tuy nhiên, theo ông Hà Đình Đô – Trạm trưởng Trạm BVTV Nghĩa Lộ, bệnh hiện chưa đáng lo ngại, Trạm đang tích cực cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến để kịp thời xử lý.
Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục BVTV, thời điểm cuối tháng 4, toàn tỉnh mới có trên 300 ha lúa bị nhiễm sâu, bệnh hại: ruồi, bọ xít đen, bọ trĩ, chuột, ốc bươu vàng, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá…
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, cuối tháng 4, trà sớm trong giai đoạn, làm đòng; trà chính vụ vào giai đoạn đẻ nhánh rộ và trà lúa xuân muộn ở giai đoạn đẻ nhánh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quý, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, trong điều kiện thời tiết nắng ấm, bọ xít đen tiếp tục gây hại trên đồng ruộng, đặc biệt ở những chân ruộng gieo cấy dày, bón nhiều phân đạm. Các loại rầy: rầy nâu, rầy lưng trắng và các bệnh vi rút hại lúa sẽ xuất hiện nhiều, nhất là trên những chân ruộng có điều kiện thâm canh cao trong vùng lòng chảo Mường Lò.
Bệnh nghẹt rễ sẽ gây hại mạnh trên những chân ruộng khô hạn nhiều ngày. Ruồi đục lá, rệp xanh, tuyến trùng hại rễ, khô vằn, đạo ôn phát triển mạnh trên các ruộng bón nhiều đạm, gieo cấy dày. Chuột hại gây hại mạnh trên những chân ruộng khô hạn, gần bờ, ven mương…
Để nắm tình hình, dự báo kịp thời, hướng dẫn nông dân bảo vệ lúa đông xuân, Chi cục BVTV tỉnh đã tăng cường điều tra đồng ruộng, dự tính, dự báo chu kỳ sinh trưởng của các đối tượng sâu bệnh, đồng thời, tham mưu cho Sở NN & Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các biện pháp phòng trừ để ngành có chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Chi cục, các trạm BVTV huyện thường xuyên thăm đồng, phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.
Mặt khác, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; tăng cường hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; khi sâu bệnh phát sinh lập tức dập, diệt không để lây lan ra diện rộng.
Nhằm phòng chống sâu bệnh hại lúa hiệu quả, Chi cục BVTV khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện có rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh nên phun thuốc diệt trừ ngay. Trong thời điểm này nông dân không nên bón quá nhiều đạm, bởi cây lúa phát triển nhanh sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại sâu, bệnh hại cùng lúc xuất hiện rất khó phòng, trừ.
Bên cạnh việc phun thuốc BVTV theo hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân cần chú ý tháo và giữ nước trên đồng ruộng đúng lúc để cây sinh trưởng phát triển tốt; tăng cường đầu tư chăm sóc, bón phân đúng cách, góp phần tăng sức đề kháng, đảm bảo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Anh Dũng