YênBái – YBĐT – Tuy chưa phát hiện ca bệnh nào song Yên Bái đã có nhiều động thái chủ động phòng, chống dịch. Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp luôn hiện hữu bởi người dân vẫn còn rất chủ quan và thờ ơ.
Chủ động với dịch bệnh
Ngay sau khi dịch tiêu chảy cấp xuất hiện, UBND tỉnh Yên Bái đã có công điện chỉ đạo các ban ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho từng ngành thành viên.
Là đơn vị chủ đạo trong công tác phòng chống dịch bệnh, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của tỉnh, cùng với việc tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị, giám sát phát hiện ca bệnh, quy trình xử lý ổ dịch theo các quyết định của Bộ Y Tế, Sở Y tế Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp cụ thể để chủ động đối phó.
Trung tâm Y tế dự phòng – đơn vị thường trực đã nhanh chóng tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn đến các cơ sở y tế dự phòng tuyến huyện, thị, thành phố; phối hợp với Trung tâm Truyền thông – Giáo dục – Sức khỏe, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các đơn vị trong ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện 4 khuyến cáo đối với cộng đồng; củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm. Đồng thời, thành lập 3 đội cơ động chống dịch, 1 tổ hậu cần, mỗi đội gồm các bác sỹ, kỹ thuật viên có sức khỏe và chuyên môn để khi có dịch là sẵn sàng lên đường; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, củng cố hệ thống báo dịch hàng ngày từ tỉnh đến xã, phường; đôn đốc y tế dự phòng các huyện nắm bắt và xử lý kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh nói chung và bệnh tiêu chảy cấp nói riêng.
Khâu phòng bệnh là vậy, các bệnh viện, từ tỉnh đến cơ sở theo chỉ đạo của ngành, cũng đều thành lập ban chỉ đạo chống dịch, chuẩn bị phương tiện, trang bị, thuốc men phục vụ cho công tác điều trị khi có bệnh nhân mắc bệnh nhập viện.
Còn đó những nỗi lo
Không ít người dân vẫn thờ ơ với tiêu chảy cấp. |
Trên thực tế, mặc dù đã được cảnh báo nhưng nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng sẽ rất cao. Do thói quen sinh hoạt và bệnh chủ quan đã khiến cho nhiều người dân, nhất là khu vực nông thôn vẫn có vẻ thờ ơ với những thông tin về bệnh tiêu chảy cấp. Tại các chợ, các quán hàng thực phẩm đặc biệt nơi bán đồ ăn sẵn vẫn được bầy bán công khai và rất đông người mua. Nhiều người dân vẫn chưa thực hiện những biện pháp vệ sinh cần thiết, chưa “ăn chín, uống sôi”. Vậy nên, dù chưa có bệnh nhân dương tính với vi khuẩn tả nhưng trung bình mỗi ngày các bệnh viện trong tỉnh vẫn phải tiếp nhận khoảng 20 ca mắc tiêu chảy thông thường.
Việc chủ quan của người dân đối với dịch tiêu chảy sẽ gây hậu quả khôn lường, vì với năng lực của ngành y hiện nay, việc chống dịch là cực kỳ khó khăn. Trung tâm Y tế dự phòng mặc dù đã có dự toán kinh phí phòng chống dịch nhưng đến thời điểm này những trang thiết bị vẫn đang chờ tỉnh phê duyệt! Máy móc trang thiết bị, thuốc hóa chất, dụng cụ…. mà Trung tâm đang sử dụng vẫn phải lấy từ nguồn dự trữ chống dịch cúm A/H5N1 và các nguồn khác với số lượng khá khiêm tốn. Thậm chí, hiện Trung tâm chỉ có 20 cơ số hóa chất để làm xét nghiệm với vi khuẩn tả, trong khi đó nếu dịch bệnh xảy ra sẽ có hàng nghìn xét nghiệm phải làm.
Tại các bệnh viện, nơi làm công tác điều trị khi xuất hiện dịch, mặc dù đã xây dựng phương án với tinh thần “4 tại chỗ” nhưng với phương tiện và máy móc con người ít ỏi như hiện nay nếu dịch bùng phát thì thật sự khó khăn. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những bệnh viện lớn nhất của ngành y tế nhưng cũng chỉ có 30 giường bệnh, 2 máy tạo ô xy, 2 bơm tiêm điện, 3 máy truyền dịch tự động. Phương án của Bệnh viện đưa ra, sẽ tiến hành điều chuyển các máy móc từ các khoa phòng khác, tuy nhiên việc điều động này cũng không thể quá mức cho phép.
Các bệnh viện tuyến huyện lại càng khó khăn hơn khi hầu hết trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện chưa thể làm xét nghiệm với vi khuẩn tả, các bệnh viện thì rất khó khăn về phương tiện, máy móc.
Tốt nhất vẫn là phòng tránh
Tuy không phải là bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng với tốc độ lây lan nhanh (tính theo tỷ lệ 10% số bệnh nhân mắc nặng) thì ngành y tế khó có thể đối phó hiệu quả với dịch bệnh, vì vậy phòng tránh vẫn là biện pháp tối ưu. Hơn lúc nào hết, cùng với việc giám sát tốt dịch bệnh, cần phải khoanh vùng khi dịch xuất hiện, làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền để người dân hiểu cách phòng tránh của các cơ quan chức năng. Mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện đúng các biện pháp phòng chống bệnh như: “ăn chín, uống sôi”, không ăn thực phẩm có khả năng nhiễm bệnh như rau sống, tiết canh, mắm tôm, tép, hải sản sống, không ăn nem chua, nem chạo, đồng thời vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ…
Nguyễn Đình