YBĐT – Bí thư chi bộ cơ sở là người giữ vai trò, tiên phong gương mẫu trong lãnh đạo chi bộ, hạt nhân chính trị ở cơ sở để chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Bí thư chi bộ có nắm vững được nghiệp vụ công tác Đảng mới có khả năng lãnh đạo chi bộ hoạt động hiệu quả và ngược lại.
Đáng mừng là nhiệm kỳ qua, Yên Bái đã hoàn thành việc xoá chi bộ ghép. Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay toàn Đảng bộ có 3.057 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở. Tương ứng với số chi bộ này là số bí thư chi bộ đang giữ vai trò đầu tàu gương mẫu lãnh đạo các chi bộ và đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Họ là những người gần dân nhất, là nhịp cầu nối Đảng với dân, đưa chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới dân; đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Đảng.
Chưa có thống kê cụ thể về trình độ nhưng vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số bí thư chi bộ này phần nhiều có trình độ văn hoá cũng như chuyên môn không cao, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng hoặc đã được bồi nhưng chưa sát thực với thực tế công việc dẫn tới việc lãnh đạo các chi bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Thực tế đi khảo sát tại các chi bộ thuộc Đảng uỷ cơ sở, kể cả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là xã vùng cao cho thấy, không ít bí thư chi bộ còn lúng túng, thậm chí không biết cách tiến hành thủ tục để kết nạp một đảng viên như thế nào; từ khi bồi dưỡng quần chúng ưu tú đến khi giới thiệu đề nghị kết nạp, chuyển Đảng chính thức phải làm những thủ tục gì.
Chuyện bí thư chi bộ cơ sở không nắm vững nghiệp vụ công tác Đảng này đã tồn tại từ rất lâu. Thật đáng buồn là chuyện không đáng có đã xảy ra ở xã T. huyện Y. Sau khi đảng viên ở một cơ quan tỉnh tới nơi cư trú của quần chúng ưu tú xin nhận xét xong vào bản “Tổng hợp ý kiến nhận xét ở nơi cư trú” của bí thư chi bộ thôn, sau đó lên xã lấy dấu xác nhận của Đảng ủy xã, một đồng chí lãnh đạo cấp uỷ xã hùng hồn nói rằng: “Không cần đóng dấu xác nhận chữ ký”. Không những vậy tỏ ra ta nắm chắc thủ tục hơn, đồng chí ấy còn cho rằng: “Cấp ủy cơ quan ấy chả hiểu gì”. Vậy là cuối cùng buộc đồng chí đảng viên đi xác minh lý lịch nọ phải đi đi về về, nói khó mãi ông trong cấp ủy xã kia mới xác nhận cho. Điều muốn nói ở đây, đến đồng chí đã ở trong cấp uỷ xã còn nắm thủ tục phát triển Đảng lơ mơ như vậy thì bí thư chi bộ cơ sở không nắm được là tất yếu.
Không chỉ phát triển Đảng, việc tổ chức đại hội ở các chi bộ cơ sở cũng còn nhiều điều đáng bàn. Không nắm vững qui trình tổ chức đại hội hoặc đại hội thành công rồi nhưng việc xây dựng qui chế, phân công nhiệm vụ cho bí thư, phó bí thư, đảng viên; xây dựng chương trình hành động cho nhiệm kỳ; chương trình kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết…để đưa nghị quyết vào cuộc sống và mang lại hiệu quả là cả một vấn đề nan giải. Vì hiện nay, đặc biệt là ở các xã vùng cao, các bí thư chi bộ thôn hầu như nắm chưa vững qui trình tổ chức đại hội cũng như việc triển khai thực hiện nghị quyết. Không ít bí thư chi bộ còn lúng túng trong tổ chức một cuộc họp chi bộ.
Vẫn biết những năm qua, các Đảng ủy cơ sở đã tích cực mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy cơ sở. Nhưng thực tế qua các lớp học này cho thấy hiệu quả chưa cao. Việc học tập, tiếp thu nghiêm túc tại các lớp bồi dưỡng này cần được xem xét. Thậm chí, các lớp bồi dưỡng được mở chưa đảm bảo về diện, vì bồi dưỡng cho cấp ủy cơ sở mà chỉ có các đồng chí bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên Đảng uỷ cơ sở còn thiếu các bí thư trực thuộc Đảng uỷ cơ sở không nằm trong cấp ủy nên các bí thư hầu hết đều làm việc bằng… kinh nghiệm!
Thực trạng cho thấy việc mở rộng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng tới bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở là hết sức cần thiết. Nhưng việc bồi dưỡng cũng cần phải được cải tiến theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Ít nhất cũng phải nắm được việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên từ khi là quần chúng ưu tú đến khi kết nạp, chuyển Đảng chính thức và phát thẻ đảng viên cần những thủ tục gì, việc tổ chức đại hội Đảng ở một chi bộ thế nào, chi bộ triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống gồm những khâu nào, việc kiểm tra thực hiện nghị quyết tại chi bộ tiến hành ra sao, cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ… Tất cả các việc trên cần được cụ thể hoá một cách chi tiết để các bí thư chi bộ dễ tiếp thu, phù hợp với trình độ của mình. Cần thiết có thể xây dựng, cung cấp cuốn “Sổ tay bí thư chi bộ” theo hướng này cho bí thư các chi bộ cơ sở một cách chi tiết để vận dụng sát thực vào công việc.
Mở rộng đào tạo, bồi dưỡng bí thư chi bộ cơ sở một cách nghiêm túc, sát thực theo hướng “cầm tay chỉ việc” và cung cấp “Sổ tay bí thư chi bộ” có đầy đủ, chi tiết các phần việc trên là việc cần làm ngay nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngay từ cơ sở.
Đào Minh