YBĐT – Nhờ thế mạnh đồi rừng và bãi chăn thả cùng các chính sách đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, đến nay Yên Bái có khoảng trên 120 nghìn con trâu, bò.
Đây thực sự là khối tài sản có giá trị của bà con nông dân, đặc biệt khi giá trâu, bò hiện nay tăng đáng kể, nhiều con trâu đã có giá trên 50 triệu đồng.
Điểm đáng chú ý là nghề chăn nuôi trâu bò ở Yên Bái chủ yếu tập trung ở các xã, các huyện vùng cao và hình thức chăn thả tự nhiên là chính bởi chăn nuôi công nghiệp chưa xuất hiện, chăn nuôi bán công nghiệp mới bắt đầu manh nha. Đặc điểm chăn nuôi này gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị nguồn thức ăn cho trâu, bò vào những ngày đông rét buốt khi mà nguồn cỏ tươi ít và nhiệt độ xuống thấp không thuận tiện cho việc chăn thả…
Vì vậy, nhiều năm qua Yên Bái luôn xuất hiện dịch lở mồm, long móng ở trâu, bò, đặc biệt những trận rét đậm, rét hại kéo dài đã khiến trâu, bò đổ ngã hàng loạt. Trước thực trạng đó, mỗi gia đình cần tính toán số lượng trâu, bò nuôi cho phù hợp với điều kiện chăn thả. Đối với hình thức chăn thả tự nhiên, không nên duy trì số lượng đàn quá lớn, cần bán bớt những con già yếu, không còn khả năng sinh trưởng; không nên thả rông gia súc, nhất là trong những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống dưới 150C; cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ và đúng liều vắc xin cho trâu, bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Bước sang tháng 10, tiết trời đã se lạnh, nguồn thức ăn cho trâu, bò khan hiếm nhưng tại các xã vùng cao, sau khi thu hoạch lúa mùa, nhiều nhà nông tuốt lúa xong để cả đống rơm ngoài ruộng, đợi khô rồi châm lửa đốt. Như các nhà khoa học đã khuyến cáo, rơm khô còn rất nhiều chất dinh dưỡng, nếu được chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt cho trâu, bò, thay thế hoàn toàn nguồn cỏ tươi; ngay cả khi có đủ nguồn thức ăn khác thì trâu bò vẫn cần ít nhất 5 kg rơm khô mỗi ngày để chúng nhai lại. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét, cấp ủy, chính quyền, các khuyến nông viên từ tỉnh đến cơ sở cần chỉ đạo và hướng dẫn bà con cất trữ rơm khô cho trâu bò.
Ngoài nguồn rơm khô dự trữ, cây ngô đông cũng là loại cây màu cho hiệu quả kinh tế khá, bên cạnh sản phẩm chính là ngô tươi, ngô hạt thì thân lá là nguồn thức ăn quan trọng cho trâu, bò trong mùa rét. Song, mấy năm trước nhiều nông dân không chịu làm ngô đông, đến khi rét mướt, trâu, bò không có thức ăn dự trữ phải bỏ ra 200 – 250 nghìn đồng mới mua được một sào cây ngô làm thức ăn mùa rét cho trâu, bò.
Tích cực phòng chống dịch bệnh, sửa chữa chuồng trại, ngăn chặn chăn thả rông và chuẩn bị thật nhiều nguồn thức ăn cho trâu, bò là việc cần làm ngay của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Riêng đội ngũ cán bộ khuyến nông cần tích cực hướng về cơ sở, gần dân, sát dân và giúp dân các biện pháp kỹ thuật.
Cán bộ chính quyền cơ sở cần tổ chức vận động và chỉ đạo bà nông dân trong thôn bản, làng xã mình tích cực dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa rét, tránh tình trạng một số hộ lười, để trâu, bò chết đói, chết rét cả loạt, làm thịt xong lại thống kê thiệt hại, đề nghị Nhà nước, tỉnh hỗ trợ khó khăn.
Lê Phiên