YBĐT – Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, các vụ XHTDTE đều có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và hết sức phức tạp.
Quan ngại hơn, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi đồi bại lại là những người thân như: bố dượng, bác, chú, thậm chí là anh em, bố đẻ… Đây là hồi chuông báo động về tình trạng XHTDTE và đòi hỏi cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và sự chung tay của toàn xã hội.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trung bình hàng năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 800 vụ XHTDTE. Trong 5 năm từ 2011 – 2015, có 5.300 vụ XHTDTE. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Mặt khác, trên thế giới, theo Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam.
Tại Việt Nam,trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13 – 18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5 – 13. Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó, 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân. Còn đối với tỉnh Yên Bái, tình trạng XHTDTE có chiều hướng gia tăng và hết sức phức tạp. Năm 2016, đã xảy ra khoảng 20 vụ XHTDTE, đây là thực trạng đáng báo động.
Song song với đó, những khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các vụ XHTDTE cũng đang là vấn đề đáng bàn như: thiếu chứng cứ, vụ việc thường xảy ra ở nơi vắng người qua lại, chỉ có người xâm hại và trẻ em bị xâm hại, không có người làm chứng, đối tượng xâm hại trẻ em thường đe dọa giết hoặc đưa video lên mạng xã hội cho nhiều người biết, nên sự việc xảy ra đã lâu hoặc là do gia đình phát hiện tâm lý thay đổi của trẻ, hoặc là hậu quả xảy ra gia đình động viên, gặng hỏi trẻ mới dám kể lại với bố mẹ; nhiều trường hợp khi phát hiện thì kẻ xâm hại không thừa nhận các hành vi, gia đình nạn nhân thì không tìm cách khắc phục cho cháu hoặc đi giám định, mà chỉ tập trung vào việc phân bua đúng sai, vì ngại ngần nên chỉ giải quyết góc độ 2 gia đình. Cho đến khi quá bức xúc mới đưa trẻ đi giám định thì lúc đó đã không còn dấu vết để xử lý.
Đó cũng là nhữ khó khăn, trở ngại cho quá trình thu thập thông tin, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử… Mặt khác, do lo sợ ảnh hưởng tới học tập, tương lai lâu dài của trẻ nên trẻ em và các gia đình thường chọn phương án im lặng, không tố cáo nghi phạm với cơ quan chức năng. Chế tài xử lý hành vi XHTDTE thiếu chặt chẽ, không đủ sức răn đe và chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trước thực trạng trên, để ngăn chặn tình hình XHTDTE trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 11/4/2017 về triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 27/4/2017 về triển khai Tháng hành động Vì trẻ em với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” và Diễn đàn trẻ em.
Các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các văn bản pháp luật và các qui định của Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017; đẩy mạnh phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2017 – 2020.
Triển khai các hoạt động tập huấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa XHTDTE cho người quản lý, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, xử lý kịp thời khi có trường hợp trẻ em bị xâm hại; chủ động phối hợp với các ngành liên quan xác minh, nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm XHTDTE. Chung tay ngăn chặn tình trạng XHTDTE là trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.
Trần Minh