YBĐT – Phòng chống hiệu quả dịch bệnh mùa xuân, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng không ai khác phải do chính mỗi người dân, từng gia đình và cả cộng đồng ý thức chung tay thực hiện.
Trong khi các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo, chủng cúm gia cầm mới – virus H10N8 vừa được phát hiện ở Trung Quốc đã gây tử vong trên người khiến Việt Nam và các nước láng giềng không khỏi lo ngại thì tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, dịch sởi bùng phát, dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp, đồng thời dịch cúm A/H5N1, H7N9 có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương. Điều này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh mùa xuân có thể bùng phát cao hơn bao giờ hết.
Ngược thời gian, theo đánh giá của ngành y tế, trong năm 2013 cả nước chỉ ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên riêng tháng 1/2014, đã có trên 240 trường hợp mắc ở 24 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong, trong đó có Hà Nội và Yên Bái.
Theo các chuyên gia của ngành, bệnh sởi xuất hiện trở lại sau nhiều năm không có dịch là một điều bất thường. Bất thường hơn đó là nhiều trường hợp mắc bệnh, nhất là trẻ lớn tuổi! Cùng bệnh sởi, có một thực tế đáng báo động là gần đây tỷ lệ tiêm chủng giảm đi đáng kể.
Nguyên nhân là do nhiều bà mẹ lo lắng trước những thông tin về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B, Quinvaxem… đã không cho trẻ đi tiêm phòng vắcxin. Nếu tình trạng này xảy ra dài và nhiều sẽ dẫn tới tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thấp, như vậy, trẻ em không được bảo vệ trước các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin và nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn.
Cùng thời điểm này, sự xuất hiện trở lại của dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người cũng đặt sức khoẻ cộng đồng trước những lo ngại. Ngày 6/2, Bộ Y tế có Công điện số 441/CĐ-BYT gửi chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người. Mới đây ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gà tại Kon Tum đã được phát hiện và xử lý. Tại Quảng Ngãi, dịch cúm gia cầm đã bùng phát mạnh ở 4 xã của huyện Đức Phổ, lây lan nhanh trên đàn gia cầm…
Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp, gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương. Bộ đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng; mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đặc biệt là cúm A/H7N9, cúm A-H10N8, cúm A/H6N1 và cúm A/H5N1 cho người dân…
Mùa xuân là mùa sinh sôi của vạn vật, tuy nhiên đây cũng là mùa để bệnh dịch có cơ hội phát sinh, phát triển. Ngay tại tỉnh giáp ranh là Lào Cai đã có ổ dịch cúm và sẽ càng khó khăn hơn cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn bởi thời điểm này đang là mùa lễ hội đầu xuân, lượng du khách đến Yên Bái cũng như đối tượng là khách du lịch đi đến những vùng có ổ dịch về nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh khó kiểm soát trong khi tình trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội vẫn đang còn nhiều điều phải bàn.
Để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh hơn bao giờ hết. Mỗi người cần thực hiện khuyến cáo được ngành y tế đưa ra là không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra liên ngành tại các địa phương cũng cần được đẩy mạnh.
Cần bắt giữ và xử lý nghiêm đối với tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới, các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt gia cầm tại các chợ đầu mối. Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của ngành thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng virus cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.
Phòng chống hiệu quả dịch bệnh mùa xuân, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng không ai khác phải do chính mỗi người dân, từng gia đình và cả cộng đồng ý thức chung tay thực hiện.
Phạm Minh