YênBái – YBĐT – Theo kế hoạch, Chương trình 134 sẽ kết thúc trong năm 2008. Toàn tỉnh Yên Bái có 142 xã, thị trấn của 8/9 huyện thị được hưởng thụ chương trình. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình 134 đã cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó giảm gần 10% số hộ nghèo theo tiêu chí mới (từ 34% xuống còn 24,10% vào cuối năm 2007).
Nhìn chung việc triển khai thực hiện đề án có sự cố gắng của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc phấn khởi, tích cực thực hiện. Toàn tỉnh đã xóa được 8.124 nhà dột nát cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 95% so với đề án; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo được 1.299,18 ha đạt 84,2% kế hoạch… Tỉnh đã rất cố gắng lập đề án trình Chính phủ, đến nay Chương trình 134 của tỉnh đã được cấp 127.810 triệu đồng so với đề án của tỉnh đề nghị ngân sách Trung ương cấp 132.217 triệu đồng.
Chương trình 134 chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ kết thúc, thế nhưng nhiều mục tiêu vẫn còn ở phía trước. Theo Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải – Thào A Sàng thì còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất, 1.000 hộ thiếu nhà ở, mặc dù đến hết năm 2007 đã hỗ trợ 1902 hộ làm nhà, chưa kể số đã được hỗ trợ theo Đề án 810 ĐA/UB năm 2004 của UBND tỉnh, của Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ. Đối chiếu theo đề án của tỉnh thì chỉ còn 864 hộ nghèo là dân tộc thiểu số cần hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 134.
Qua tiếp xúc, làm việc với đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, hầu hết các xã, các huyện và một số ngành ở tỉnh đều kiến nghị tỉnh đề nghị Chính phủ cho tiếp tục thực hiện Chương trình 134. Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh – Sùng A Vàng nhận xét: “Việc thực hiện Chương trình 134 là có hiệu quả nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra”. Vậy vì sao lại có tình trạng đó?
Có thể có nguyên nhân khách quan, nhưng trước hết là do việc tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở và một số huyện thiếu nghiêm túc, chưa tích cực và có trách nhiệm với dân. Ngay từ việc điều tra số hộ có nhu cầu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được tiến hành trong một thời gian quá gấp gáp; nhiều địa phương cung cấp số liệu thiếu chính xác, độ tin cậy thấp vì thiếu tính khoa học.
Theo ông Dương Văn Thủy – Phó trưởng Ban dân tộc, thuộc UBND tỉnh thì các huyện thị báo cáo mỗi năm một số liệu khác nên rất khó điều chỉnh đề án theo chủ trương rà soát điều chỉnh của trên. Xung quanh việc đánh giá có hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất hay không, cũng đang còn nhiều ý kiến.
Ông Sùng A Vàng và ông Phương Trọng Liễu và những cán bộ nhiều năm gắn bó với cấp huyện, thường xuyên sát cơ sở thì cho rằng: đồng bào không thiếu đất sản xuất mà chỉ thiếu ruộng nước, nương, vườn thì hộ nào cũng có. Nhiều nơi kể cả cán bộ hiểu chưa đúng khái niệm đất sản xuất theo tinh thần Quyết định 134 của Chính phủ là bao gồm cả nương, ruộng một vụ, ruộng hai vụ mà cho ruộng nước mới là đất sản xuất nên chỉ chú trọng khai hoang ruộng nước, trong khi không phải chỗ nào cũng có thể khai hoang được, nhất là ở vùng cao.
Ông Trần Đức Lâm – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thì cho rằng: việc chưa giao quyền sử dụng đất cho hầu hết các hộ ở vùng cao là một trở ngại vì đồng bào chưa có sổ đỏ được giao đất thì không thể có căn cứ để nói hộ nào thiếu đất sản xuất. Nay thực hiện giao đất cũng lại đẻ ra vấn đề mới vì nhiều hộ đang ở nhờ đất của ông bà, anh em, chú bác… Nếu cứ ở thì được, nhưng giao đứt cho hộ đó là sẽ có thể xảy ra tranh chấp. Do những người đứng đầu dòng họ, già làng thường đến trước, bao chiếm theo luật tục nên thực tế đã có nơi giao đất rồi nhưng chỉ người đứng đầu họ răn đe một câu, hộ được giao đất thuộc lớp hậu thế “thấp cỏ bé họng” không dám động vào chỗ đất đó. Tuy khó khăn phức tạp như vậy, nhưng việc gieo đất cho các hộ ở vùng cao để có căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý cho việc điều tra phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội là việc nên làm và cần sớm thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện Chương trình 134 ở không ít địa phương chưa nghiêm túc, trước hết là sai đối tượng. Tại xã Hồ Bốn, (huyện Mù Cang Chải) đã đem kinh phí Chương trình 134 hỗ trợ tất cả các hộ có đất khai hoang, có những hộ đã có 2 ha ruộng nhưng khai hoang được ruộng vẫn được hỗ trợ, trong khi chính các hộ nghèo lại đứng ngoài vì không có đất để khai hoang thì không được hỗ trợ. Đây là việc làm sai chủ trương của Chính phủ vì đối tượng hỗ trợ phải là hộ nghèo, dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, có định mức quy định hẳn hoi.
Tương tự như vậy, ở xã Lâm Giang (huyện Văn Yên) khai hoang được số ruộng nếu chia cho hộ nghèo là dân tộc thiểu số thì được mỗi hộ 0,5 ha, là quá đủ nhưng do hiểu sai đã đem chia cho tất cả các hộ là người dân tộc, thành ra các hộ thuộc đối tượng trợ giúp của Chương trình 134 vẫn thiếu đất.Trong tổ chức thực hiện, việc giao kế hoạch cũng chưa sát, đúng với Đề án ban đầu.
Theo Đề án, huyện Mù Cang Chải có 663 hộ được hỗ trợ làm nhà nhưng lại được giao làm 2.463 nhà, gấp gần 4 lần so với đề án, trong khi huyện Văn Chấn đề nghị 2.097 nhà thì chỉ được giao làm 297 nhà cho hộ dân tộc thiểu số nghèo. Việc tổ chức làm nhà cũng máy móc, hầu hết đều quy số tiền ra tấm lợp phibrô xi măng, xi măng láng nền để cấp nên nhiều hộ như ở thôn Làng Giàng xã Nậm Có (Mù Cang Chải) và một số nơi khác dân không lấy vì không khuân nổi tới nhà ở tận trên núi cao. Có hộ đem về cũng chưa đủ vật liệu làm nhà đã bỏ cho tấm lợp bị cỏ vùi, xi mắng đắp thành đá mà nhà vẫn không có. Ban quản lý cấp huyện cũng sợ cấp bằng tiền hộ nghèo tiêu hết vào việc khác mà không làm nhà, dùng vật liệu tại chỗ thì không có hóa đơn đỏ cũng không thanh quyết toán được.
Việc chỉ đạo thực hiện còn quan liêu. Theo báo cáo số 63-BC-BDT ngày 12/09/2008 của Ban Dân tộc thuộc UBND tỉnh thì đến hết năm 2007 đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) 710 hộ, trong khi toàn xã chỉ có 362 hộ, trong đó diện nghèo chỉ còn 159 hộ, vậy mà kế hoạch năm 2008 tiếp tục cấp téc nước cho 140 hộ nữa. Khi các đại biểu HĐND tỉnh phát hiện, ông chủ tịch UBND huyện mới cho chủ trương ngừng số ghi kế hoạch năm 2008, như vậy cũng đã cấp vượt 248 hộ (cả giàu nghèo), gần gấp 4 lần số hộ nghèo của xã. Nhiều chương trình khác cũng có việc tương tự như: xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) chỉ có sản lượng 20 tấn ngô/năm mà cấp 2 máy tẽ ngô công suất 6 tấn/giờ, tính ra mỗi năm chỉ hoạt động 4 giờ là hết việc, hoặc xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) không trồng cây đậu tương nào lại cấp máy làm đậu phụ. Nhiều xã ruộng bậc thang cao mà cấp nhiều máy cày thì làm sao đem lên cày được…
Do chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ, chủ quan cấp xuống những gì trên có chứ không phải thứ dân cần đã gây lãng phí và làm cho người dân cũng không trân trọng những thứ họ chưa cần. Một số cán bộ xã chưa tích cực, hăng hái thực hiện vì Chương trình 134 không có kinh phí quản lý, (ngoài công trình nước tập trung).
Ông Dương Văn Thủy – Phó Ban dân tộc cho biết: có trường hợp yêu cầu xã lập tổ quản lý duy tu bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt tập trung thì cán bộ xã trả lời: “Khi nào có kinh phí họp các thôn được chúng tôi sẽ làm!”. Ông Phương Trọng Liễu khi đi cơ sở tại một xã của huyện Văn Chấn đã chứng kiến việc hai người dân phải đi lấy củi bán đong gạo thì cán bộ xã nói: “Hai vợ chồng nhà này không thích làm ruộng, chỉ thích đi lấy củi thôi!” trong khi thực tế họ không hề có ruộng! Những trường hợp như thế không hẳn vì quan liêu mà rõ ràng có một số cán bộ yếu kém về phẩm chất, không biết thương dân, thiếu trách nhiệm với dân, chưa nói đến không ít trường hợp lạm dụng chính sách để trục lợi cho bản thân và anh em họ hàng gia đình cán bộ.
Không ít trường hợp cán bộ chưa nghiên cứu kỹ các văn bản của cấp trên. ở huyện Mù Cang Chải có 2.265 triệu vốn 134 bố trí vào thôn Làng Giàng (xã Nậm Có) chưa thực hiện được là vì huyện tự đề ra định mức hỗ trợ tái định cư tới 22 triệu/hộ, trong khi Chính phủ chỉ quy định 5 triệu/hộ, hỗ trợ làm nhà ở cho 45 hộ theo định mức là 270 triệu thì đề nghị 360 triệu, nếu thực hiện sẽ không có cơ sở để thanh toán.
Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình 134 không nhiều. Hy vọng cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo, chính quyền tập trung rà soát những việc chưa hoàn thành thì phải làm, thấy sai phải sửa, việc cấp thừa téc nước phải thu hồi hoặc quy trách nhiệm người quyết định sai phải bồi thường. Cần căn cứ đề án ban đầu để thực hiện, không chạy theo con số tự điều chỉnh bổ sung của các huyện.
Đi đôi với giải pháp kinh tế cần tăng cường giáo dục nhân dân biết trân trọng và biết ơn sự quan tâm của Nhà nước, khắc phục tư tưởng ỷ lại, phát huy vai trò cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau… thì mới có thể giải quyết vấn đề đói nghèo ở vùng cao bền vững. Ban chỉ đạo 134 các cấp, đại biểu HĐND nhất là tỉnh, huyện nên thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh để thực hiện nghiêm và đúng chính sách của Nhà nước.
Ngân Hà