YênBái – YBĐT – Đến thành phố Yên Bái, du khách gần xa cũng như những người quen thuộc với mảnh đất này đều ấn tượng về những hồ nước giữa trung tâm tỉnh lỵ. Phong cảnh của một đô thị miền núi nên thơ hữu tình với tóc liễu rủ in mặt sóng lăn tăn, sắc phượng cháy đỏ khi hạ về.
Ngay khu vực Km5 – trung tâm thành phố cũng có tới 3 – 4 hồ nước lớn nhỏ. Hồ Công viên thiếu nhi, hồ Thủy lợi (cũ), hồ Hào Gia với vài chục ngàn mét vuông mặt nước sau hàng chục năm đầu tư kiến thiết, đã hình thành địa điểm không thể khác cho các cơ quan “đầu não” của tỉnh. Quanh hồ, ngoài các công trình công cộng được xây dựng như: Trung tâm Hội nghị, Quảng trường 19-8, Trung tâm Triển lãm thông tin, Thư viện, hiệu sách, Nhà thi đấu thể dục thể thao; một hệ thống khách sạn, nhà nghỉ mọc lên đón khách thập phương tạo cho bộ mặt tỉnh lỵ một nét hiện đại riêng có.
Theo đường trục chính trong thành phố Yên Bái, là công viên Yên Hòa. Những địa danh quanh hồ nước rộng hơn 10 héc-ta này là điểm nhấn quan trọng trong các điểm đến du lịch của thành phố. Cùng trên địa bàn còn có hồ Nam Cường, hồ Thuận Bắc và một số hồ nước ở phường Nguyễn Thái Học, Hồng Hà… Mỗi buổi sáng tối, đây là địa điểm lý tưởng để mọi người đến đây tập thể dục, hít thở không khí trong lành và thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Khách lưu trú ở Nhà khách Hào Gia, Khách sạn Hồng Nhung, Đồng Tâm có thể mở tung cửa đón gió hồ, hay lãng mạn thả hồn khi đêm xuống mặt hồ lung linh ánh đèn làm cảnh sắc càng thêm say đắm lòng người.
Những hồ nước ở thành phố hiện vẫn là nơi tạo ra nguồn lợi hàng chục tấn thủy sản mỗi năm, nhưng quan trọng hơn đây là nơi điều tiết nước khi mùa mưa tới. Những cơn mưa lớn, kéo dài trên sườn dốc lớn của địa phương miền núi ào ạt đổ xuống thì những hồ chứa nước này đã góp phần không nhỏ hạn chế thiệt hại, nhất là khi hệ thống dòng chảy chưa thực sự hoàn chỉnh. Ngoài Khu du lịch sinh thái Hồ Thuận Bắc ở xã Minh Bảo, gần đây, ở xã Nam Cường, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ du lịch, người ta đã biết dựa vào điều kiện có hồ, đầm nước để tạo ra những khu vui chơi kết hợp nghỉ dưỡng. Điển hình là Khu vui chơi Cát Thành – một điểm đến của người dân thành phố, rồi du lịch sinh thái ở khu Đầm Sấu, công viên sinh thái Nam Cường đang được xây dựng với những tín hiệu khả quan.
Rõ ràng, những hồ nước này không chỉ tạo ra cảnh quan đẹp, thanh bình, một môi trường sinh thái trong lành của một đô thị đang từng bước hiện đại, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho những nhà đầu tư. Nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng ở thành phố chưa có đòi hỏi bức bách, nhưng trong dăm bảy năm thì không thể thiếu. Việc tạo ra một diện tích hồ đối với thành phố cũng không hẳn khó khăn khi có thể dựa vào địa hình mà đắp đập ngăn nước và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch quanh những hồ nước ở thành phố Yên Bái còn quá khiêm tốn. Phần do “cầu” chưa thật lớn, nhưng thật sự cũng chưa có những nhà đầu tư dám bỏ vốn để tạo “cung”, vẫn còn tư tưởng làm ăn kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Đó cũng là nguyên nhân làm cho thành phố thiếu chủ động trong hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực này một cách dài hơi và chưa có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư “đổ vốn”.
Ngay như công viên Yên Hòa với hồ nước tuyệt đẹp nhưng cũng vẫn chỉ là “tiềm năng vẫy gọi”. Trong quy hoạch khu dân cư, các hồ nước mang tính điều tiết lưu lượng cũng như để giải quyết nguồn nước thải cũng cần được tính toán. Các diện tích san lấp, quy hoạch dân cư phải làm sao cho phù hợp, không nên vì bảo đảm nguồn thu ngân sách mà thu nhỏ diện tích mặt đầm, mặt hồ.
Thành phố đang tiến hành điều chỉnh không gian đô thị, công trình trọng điểm đường Yên Bái – Yên Bình đang được thi công. Hẳn các nhà hoạch định sẽ có tích toán cho nhiều năm sau để không chỉ là một số hồ nước hiện tại, mà sẽ có nhiều hơn những hồ nước đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế. Điều đó có thể trở thành một đặc trưng cho thành phố và của tỉnh Yên Bái trong tương lai.
P.V