YênBái – YBĐT – Đã một thời, sản xuất kinh doanh chè rất thịnh vượng, nhưng từ khi xoá bỏ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường việc sản xuất, kinh doanh chè không có tính ổn định, bền vững. Các nhà máy chế biến bung ra quá nhiều, vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu. Không chỉ có vậy, các nhà máy chế biến được đầu tư xây dựng quá lạc hậu, không đáp ứng được thị trường.
Việc trồng chè cũng như sản xuất kinh doanh chè ở Yên Bái có quy mô và khối lượng hàng hoá lớn, được bắt đầu từ những năm cuối thập niên 60. Cũng là địa phương có cơ sở chế biến chè lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ ấy. Trong đó, Nhà máy Chè Trần Phú có công suất 42 tấn búp tươi/ngày.
Đã một thời, sản xuất kinh doanh chè rất thịnh vượng, nhưng từ khi xoá bỏ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường việc sản xuất, kinh doanh chè không có tính ổn định, bền vững. Các nhà máy chế biến bung ra quá nhiều, vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu. Không chỉ có vậy, các nhà máy chế biến được đầu tư xây dựng quá lạc hậu, không đáp ứng được thị trường.
Vùng nguyên liệu thì rộng lớn, song người trồng chè chưa thật sự mặn mà với cây chè và vẫn sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ. Khi giá bán cao thì đầu tư chăm sóc, giá thấp thì thờ ơ chăm sóc. Từ những yếu tố đó dẫn đến năng suất thấp, chất lượng búp không đáp ứng cho chế biến…
Đặc biệt là từ khi Việt Nam là thành viên của WTO, sức ép và sự cạnh tranh của các sản phẩm chè diễn ra quyết liệt. Có một thực tế không ai có thể phủ nhận được là sản xuất, kinh doanh chè trong những năm qua đã giải quyết khá lớn việc làm và góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn Yên Bái.
Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn cụ thể hơn trong việc sản xuất kinh doanh chè, để tìm ra chiến lược, đưa cây chè lên một vị thế của cây làm giàu trong nông nghiệp nông thôn.
Trong sản xuất nông nghiệp, cây chè chỉ đóng góp một phần nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Năm 2006 là năm được đánh giá là thành công nhất từ sản xuất đến chế biến, năng suất chè nguyên liệu cũng chỉ đạt 6,2 tấn/ha. Với năng suất như vậy, cùng với giá bán nguyên liệu bình quân 2 ngàn đồng/kg thì 1 ha chè cho thu chưa đầy 13 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, công lao động còn chẳng đáng là bao. Giá trị cây chè như thế chưa thể gọi là cây chủ lực xoá đói, giảm nghèo được, mà chỉ là cây góp phần xoá đói nghèo mà thôi.
Chế biến chè cũng không có gì là sáng sủa hơn. Số cơ sở chế biến thì nhiều, với 77 cơ sở chế biến có công suất 3 tấn/ngày trở lên và hàng ngàn cơ sở chế biến chè mi ni ở các hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở chế biến chè này là sản xuất, chế biến chè bán thành phẩm và chè cấp thấp. Sản phẩm chè do doanh nghiệp chế biến có giá thành rất thấp, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tổng sản lượng chế biến trong năm 2006 đạt trên 14.456 tấn, trong đó chè đen đạt 12.747 tấn, còn lại là chè xanh, chè chất lượng cao chiếm chưa đầy 20%.
Từ trước đến nay, chúng ta cứ nói là phải giữ “thương hiệu chè Yên Bái”! Nhưng thương hiệu chè Yên Bái hiện nay là gì ? Ngoại trừ hai sản phẩm chè Suối Giàng của Công ty cổ phần Chè Văn Hưng và chè Bát Tiên huyện Trấn Yên. Nhưng hai sản phẩm này số lượng cũng rất ít và chất lượng cũng chưa thực sự tạo được vị thế đối với người tiêu dùng, số còn lại bán chè “sơ chế”…
Từ đầu năm 2006, Tỉnh ủy có Nghị quyết 02/NQ-TU về việc phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2010, UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển chè cụ thể đến năm 2010. Những giải pháp, cơ chế của tỉnh rất rõ ràng, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng giống chè cũng như trong chế biến chè. Các huyện, thị đã triển khai trồng mới, trồng cải tạo giống chè cũ già cỗi bằng giống chè mới chất lượng cao, công tác khuyến nông, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng chè đã được cải thiện.
Một số doanh nghiệp đã tiến hành cải tạo, lắp đặt dây chuyền chế biến chè CTC tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, Công ty cổ phần Chè Phú Tân, một số cơ sở lắp đặt dây chuyền chế biến chè xanh chất lượng cao; xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến chè xanh tại Lâm trường Văn Chấn, lắp đặt thêm dây chuyền chế biến chè CTC tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng. Qua đó cho thấy việc đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp diễn ra với tốc độ rất chậm.
Những tháng đầu năm 2007, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè đã thua ngay trên sân nhà bởi “cơn lốc chè vàng”. Một số doanh nghiệp lớn có thiết bị tốt, công nghệ cao chưa thể vươn lên đóng vai trò chủ đạo, các ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Tình trạng tranh giành nguyên liệu diễn ra rất quyết liệt, nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng cho chế biến.
Thực trạng trên không phải là mới diễn ra, mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng cứ vào vụ phải chịu sự cạnh tranh thì doanh nghiệp lại đổ lỗi do cơ chế, thị trường. Nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, các doanh nghiệp của ta chưa có chiến lược sản xuất kinh doanh cụ thể, không có phương án sản xuất sản phẩm lâu dài, bền vững. Thậm chí có doanh nghiệp còn cắt xén quy trình sản xuất, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, khó khăn trong tiêu thụ.
Một vấn đề không thể không nói đến, là các doanh nghiệp rất yếu về năng lực tài chính, không xây dựng được vùng nguyên liệu, cũng đồng nghĩa với việc không tự chủ được nguồn nguyên liệu. Tổng sản lượng chè búp năm 2006 đạt 65.182 tấn, thì sản lượng của các hộ dân là 51.415 tấn, doanh nghiệp chỉ đạt 13.633 tấn. Song việc thực hiện và ký kết hợp đồng theo quyết định 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm túc, chưa phát huy được hiệu quả. Mối quan hệ các cơ sở chế biến với chính quyền, người sản xuất vùng nguyên liệu “chưa chung nhịp cầu”.
Việc duy trì thực hiện nội dung ký kết hợp đồng, tổ chức triển khai thu mua, đầu tư trở lại vùng nguyên liệu chưa được thực hiện đúng ý nghĩa và hiệu quả. Việc đổi mới công nghệ kém; vệ sinh công nghiệp yếu; sản phẩm làm ra không đáp ứng được thị trường; giá trị sản xuất kinh doanh không cao…
Từ đó dẫn đến giá thu mua nguyên liệu thấp, mà giá mua thấp thì người dân phải bán cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thu mua giá cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Một vấn đề nữa là với giá thu mua thấp, trong khi giá vật tư phân bón lên cao, năng suất chè thấp người trồng chè chưa thể sống bằng chè mà vẫn phải làm thên nhiều việc nữa mới ổn định cuộc sống.
Từ những tồn tại trên đã phần nào sáng tỏ câu hỏi: Sản xuất kinh doanh chè ở Yên Bái còn nhiều yếu kém là do cơ chế hay do thị trường ? Nếu lý do là vì cơ chế yếu kém thì mong rằng, các nhà quản lý và các cơ sở kinh doanh chế biến chè phải có những giải pháp hữu hiệu nhất, để hiệu quả kinh tế của cây chè tương xứng với tiềm năng của nó.
Thanh Phúc