YBĐT – Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được nâng lên. Cùng với đó, không ít những tác động từ thực tế xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến lý tưởng của một bộ phận lớp trẻ.
Phải khẳng định rằng, bên cạnh rất nhiều lợi ích, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, đó là hình thành lối sống hưởng thụ, coi trọng lợi ích vật chất, vị kỷ.
Thông tin nhanh, tràn ngập xã hội, nội dung xấu đôi khi nhiều hơn thông tin chính thống, bạn trẻ thiếu phân tích, định hướng nên tiếp nhận cả. Thậm chí, “cái gì” cũng thích, “cái gì” cũng giỏi, một bộ phận sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Chưa đến mức phai mờ lý tưởng nhưng tình trạng vi phạm, coi thường pháp luật đã nảy sinh.
Kết thúc đèn sách, mỗi bạn trẻ đều có nhu cầu chính đáng là tìm được một công việc ổn định và thu nhập đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn. Phần lớn thanh niên nhanh nhạy, biết tính toán làm ăn đã rời quê hương đến các công trường, nhà máy hoặc tìm kiếm những nghề nghiệp phù hợp.
Thế nên, số đoàn viên, thanh thiếu nhi sở tại được tổ chức Đoàn cơ sở tập hợp chẳng được bao nhiêu, có bạn trẻ không tham gia sinh hoạt, làm cho việc tập hợp đoàn kết, tuyên truyền giáo dục thanh thiếu nhi gặp không ít khó khăn.
Mặt khác, sự phát triển của xã hội cũng như những thành tựu khoa học công nghệ mang lại đã tự hình thành cho thanh thiếu nhi một nhu cầu sớm “thích ứng” với cái mới, cái hiện đại trong khi tổ chức Đoàn chưa đủ điều kiện để trang bị cả về cơ sở vật chất cũng như trình độ cho đội ngũ để tạo ra và đáp ứng nhu cầu đó của bạn trẻ.
Đòi hỏi của thanh thiếu nhi với xã hội là không nhỏ nhưng khi tổ chức Đoàn và xã hội đòi hỏi lại thì nhiều bạn trẻ không đáp ứng cả về sức khỏe, trình độ cũng như năng lực, chí hướng phấn đấu.
“Là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng”, tổ chức Đoàn có nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức cho mỗi đoàn viên, thanh niên và thiếu niên nhi đồng…
Với từng đối tượng khác nhau theo lứa tuổi, các nội dung tổ chức nên gắn với các phương thức phù hợp. Thông qua các mô hình, những tấm gương tiêu biểu, các phong trào cụ thể là cách để tổ chức Đoàn thực hiện trách nhiệm giáo dục, truyền thống, đạo đức lý tưởng cho tuổi trẻ.
Vấn đề là, chúng ta cũng không thể đặt hết trách nhiệm này lên vai tổ chức Đoàn – Hội – Đội. Việc đó trước hết phải bắt đầu từ mỗi gia đình- “nền tảng” của xã hội.
Truyền thống lịch sử Việt Nam và cha ông chúng ta đã xây dựng nên một thế hệ thanh niên đầy hoài bão và lý tưởng cống hiến. Trong mỗi gia đình – tế bào của xã hội ngày càng văn minh, hiện đại hôm nay có làm được điều đó? Thực tế, đó là việc chúng ta đã và đang làm, bắt đầu từ việc tạo ra những con người khỏe mạnh về thể chất, tâm hồn, trí tuệ. Việc giáo dục từ gia đình hết sức quan trọng để khi con em vào nhà trường tiếp tục hoàn thiện về nhân cách.
Trong điều kiện khó khăn của thực tại của một tỉnh miền núi như Yên Bái, sự quan tâm hỗ trợ cho các hoạt động của tuổi trẻ còn hạn hẹp, chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở chưa theo kịp chủ trương của Đảng và Nhà nước thì bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ Đoàn cũng như tổ chức Đoàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở cần chú trọng hơn, có cách nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của tổ chức Đoàn cũng như tâm lý, sự hình thành nhân cách lớp trẻ.
Đó là những kết quả trong học tập rèn luyện, sáng tạo, phát huy trí tuệ, tình cảm, lối sống đẹp của tuổi trẻ, đồng thời giáo dục thanh thiếu nhi thấy được trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc và vinh dự, tự hào khi được cống hiến cho xã hội.
Đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đoàn, đoàn viên thanh niên tự khẳng định mình tạo sự chuyển biến về chất, chuẩn bị cho các bạn trẻ có đủ hành trang về tri thức, sức khỏe, đạo đức, bản lĩnh và lý tưởng trước thời cơ và thử thách mới.
Minh Quang