YBĐT – Hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49 ở Yên Bái còn một số lĩnh vực thiếu đồng bộ, như: việc đổi mới hoạt động xét xử theo hướng tranh tụng tại phiên tòa còn có mặt hạn chế, chất lượng xét xử ở các đơn vị tòa án chưa đồng đều, vai trò của người tham gia tố tụng chưa được thể hiện rõ nét…
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm đều được tổ chức thực hiện và đạt kết quả tích cực, giải quyết được cơ bản những vấn đề bức xúc về công tác tư pháp ở địa phương. Tuy vậy, để thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 đối với Yên Bái còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm, đặc biệt trong cải cách tư pháp là mở rộng tranh tụng tại phiên tòa chưa được thể hiện rõ nét, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm đổi mới.
Đến nay, bộ máy tổ chức các cơ quan tư pháp trong tỉnh đã được kiện toàn. Toàn ngành toà án hiện có 129 cán bộ, trong đó có 46 thẩm phán, 53 thư ký, 4 thẩm tra viên. 116 cán bộ có trình độ đại học luật, trong 166 hội thẩm nhân dân có 19 người có trình độ đại học, trung cấp luật. Ngành kiểm sát có 120/145 cán bộ trình độ đại học luật, trong đó có 97 kiểm sát viên, 10 kiểm tra viên. Ngành công an có 143 điều tra viên, trong đó có 13 điều tra viên cao cấp, 30 điều tra viên trung cấp, 100 điều tra viên sơ cấp. Các cơ quan thi hành án dân sự có 101 cán bộ, với 37 chấp hành viên, 13 thẩm tra viên, 71 cán bộ có trình độ đại học.
Đoàn luật sư tỉnh hiện có 13 luật sư hoạt động tại 3 văn phòng luật sư trong tỉnh và 2 chi nhánh văn phòng luật sư ngoài tỉnh. Có 2 tổ chức giám định tư pháp với 41 giám định viên, 1 trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp và 12 tổ trợ giúp pháp lý ở các địa phương trong tỉnh. Công tác tuyển dụng đào tạo cán bộ tư pháp được quan tâm chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của cải cách tư pháp. Tỉnh đã phối hợp mở nhiều lớp đại học chuyên ngành đào tạo, đào tạo lại cán bộ tư pháp cho các ngành đặc biệt là các cơ quan tư pháp cấp huyện.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) từng bước được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng đến nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mới đây HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về “Tăng cường công tác TTPBGDPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015”. Thực hiện nghị quyết này, mỗi năm tỉnh dành 2 tỷ đồng cho các hoạt động TTPBGDPL, đây là thuận lợi cơ bản góp phần quan trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân. Việc đẩy mạnh TTPBGDPL thông qua các kênh tuyên truyền với nhiều hình thức, đồng thời gắn công tác TTPBGDPL với công tác tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý và hoạt động hoà giải ở cơ sở là những hoạt động thiết thực nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân.
Về hoạt động tố tụng và bổ trợ tư pháp công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm được đẩy mạnh, an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Năm 2009 số vụ phạm pháp hình sự giảm 8,6% so với năm 2008. Hàng năm điều tra làm rõ 72% số vụ, riêng án rất nghiêm trọng đạt 98%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Công tác điều tra, xử lý án đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật không có án oan sai hoặc án quá hạn định.
Công tác bắt, tạm giữ, tạm giam tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ chính sách đối với người bị giam giữ, người chấp hành án phạt tù được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng trốn trại, chết do suy kiệt hoặc gây án trong buồng giam giữ. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp thực hiện theo luật định, đảm bảo việc điều tra truy tố xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Chất lượng xét xử được nâng lên, trình tự thủ tục đảm bảo các quy định của pháp luật tố tụng, từng bước mở rộng tranh tụng tại phiên toà. Số bản án, quyết định bị sửa, bị huỷ ngày càng giảm, không để xảy ra việc kết án oan người có tội. Thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử của toà án cấp huyện toàn tỉnh đã hoàn thành việc tăng thẩm quyền xét xử cho toà án cấp huyện trong năm 2008, sớm hơn 1 năm so với lộ trình chung của cả nước. Đến nay các đơn vị được tăng thẩm quyền xét xử đều đã cơ bản đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ theo thẩm quyền xét xử mới…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49 còn một số lĩnh vực thiếu đồng bộ, như: việc đổi mới hoạt động xét xử theo hướng tranh tụng tại phiên toà còn có mặt hạn chế, chất lượng xét xử ở các đơn vị toà án chưa đồng đều, vai trò của người tham gia tố tụng chưa được thể hiện rõ nét… Vì thế việc chú trọng tổ chức các phiên toà theo tinh thần tranh tụng công khai, đúng pháp luật, bảo đảm tính độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực sự lấy khâu tranh tụng làm khâu đột phá trong cải cách tư pháp cần được ngành toà án cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục quan tâm và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng với đó, cán bộ các cơ quan tư pháp còn thiếu về số lượng so với quy định. Đơn cử, ngành toà án thiếu 8 thẩm phán, các cơ quan thi hành án dân sự thiếu 5 biên chế không có nguồn tuyển. Một số lĩnh vực khó tạo nguồn cán bộ như: giám định viên, luật sư… Tỷ lệ cán bộ tư pháp tham gia cấp ủy còn thấp, mới chỉ có 1 chánh án cấp huyện tham gia cấp ủy.
Để khắc phục tỉnh cần có cơ chế thu hút, tuyển chọn cán bộ vào công tác tại các cơ quan tư pháp cũng như có chính sách khuyến khích, ưu đãi hơn đối với cán bộ công tác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Về cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động của các cơ quan tư pháp nhất là ở cấp huyện còn thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu, phần lớn mới đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Các kho vật chứng, nhà tạm giữ, tạm giam còn thiếu. Số lượng án tồn đọng, không có điều kiện thi hành tuy đã giảm những còn chiếm tỷ lệ lớn…
Đây là những tồn tại mà Yên Bái cần kịp thời có biện pháp khắc phục để thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách công tác tư pháp theo lộ trình.
Ngọc Tú