YênBái – YBĐT – Sau khi năm học 2007 – 2008 kết thúc, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 91.125 đội viên và 31.307 thiếu niên nhi đồng về sinh hoạt ở 1.125 tụ điểm thuộc 9 huyện, thị, thành phố.
Được sự giới thiệu của lãnh đạo Thành Đoàn Yên Bái, chúng tôi đến thăm các điểm sinh hoạt hè của thiếu niên nhi đồng ở phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái). Thật chạnh lòng khi chứng kiến cảnh các em phải sinh hoạt trên các vỉa hè, ở bãi đất hoặc mượn một nhà dân nào đó! Chị Lê Thanh Mai, Bí thư Chi đoàn ở phố Yên Thắng 6 giãi bày: “Ở khu phố em không có nhà văn hóa, không có điểm vui chơi cho các em nên mỗi lần sinh hoạt là phải đi mượn nhà của các hộ dân, hoặc sinh hoạt ngay chính trên vỉa hè – nơi có điện công cộng chiếu sáng”.
Hiện phường Yên Thịnh có 15 cụm dân cư thì mới chỉ có một nhà văn hóa ở cụm dân cư số 12 nên việc sinh hoạt hè của thiếu niên nhi đồng gặp rất nhiều khó khăn. Theo anh Nguyễn Chí Nam – Bí thư Đoàn phường Yên Thịnh thì hè này, phường có trên 800 thiếu niên nhi đồng về sinh hoạt ở 15 cụm dân cư, nhưng vì không có điểm vui chơi nên các bậc phụ huynh rất ngại, thậm chí có người không đồng ý cho con đi sinh hoạt hè.
Chung điều kiện như phường Yên Thịnh, ở phường Minh Tân, Nguyễn Phúc cũng khó khăn không kém. Tại một số khu phố thuộc phường Minh Tân, vì không có nhà văn hóa, không có điểm sinh hoạt nên các em vui chơi ngay trên vỉa hè hoặc ở những địa điểm thuê, mượn.
Tại bản Sa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), vì không có điểm sinh hoạt nên Bí thư Chi đoàn bản Sa là anh Hoàng Văn Đức phải đi mượn nhà dân. Sau khi trao đổi, anh Đức nhận được câu trả lời của ông chủ nhà: “Tôi chỉ cho mượn sân nhà chứ không cho mượn… điện đâu”. Thế là anh Đức phải bỏ tiền túi ra mua dây, kéo điện từ nhà mình đến để cho các em vui chơi trong khi bản thân anh không được hưởng chế độ hay phụ cấp gì.
Sau khi năm học 2007 – 2008 kết thúc, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 91.125 đội viên và 31.307 thiếu niên nhi đồng về sinh hoạt ở 1.125 tụ điểm thuộc 9 huyện, thị, thành phố. Nói là tụ điểm nhưng thực ra đó chỉ là một cái sân hay bãi đất bằng phẳng, trên một vỉa hè nào đó hoặc mượn sân chơi của các hộ dân, các cơ quan đóng trên địa bàn có điện chiếu sáng.
Với nội dung sinh hoạt hè như: dạy múa hát, thể dục nhịp điệu, chơi trò chơi; tìm hiểu về các luật liên quan đến trẻ em, kiến thức phòng chống thương tích ở trẻ… đã giúp các em bổ sung nhiều kiến thức, tránh xa những tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các điểm vui chơi giải trí có thiết chế trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ thì lại ngày càng lớn. Với những nguyên nhân đó nên số lượng các em tham gia và nộp phiếu chuyển sinh hoạt hè về các chi đoàn lúc đầu rất đầy đủ, nhưng sau một vài lần tham gia thì lại ngại, lại không thích, nhất là những em trong độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 9.
Qua tìm hiểu, được biết cái khó đối với các phường ở thành phố Yên Bái là không có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa; có nơi, một bộ phận cán bộ, chính quyền chưa vào cuộc, chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Còn ở các thôn bản, ở các xã cấp huyện thì quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa có thừa nhưng lại gặp khó khăn về nguồn kinh phí.
Vừa qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã lập “Đề án xây dựng nhà văn hóa cấp huyện” trình UBND tỉnh phê duyệt. Song, để tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho thiếu niên nhi đồng sinh hoạt mỗi khi hè về thì việc xây dựng đề án nhà văn hóa cấp huyện vẫn chưa đủ mà cần phải tạo ra được phong trào xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, bản, xã, phường, khu phố, vì đó mới là nơi mà các em trực tiếp sinh hoạt.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền sở tại cần quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đến công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng; phải tạo ra được sự thống nhất, chung sức giữa gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là xây dựng những khu vui chơi ở các xã, phường và khu phố. Có như vậy, thiếu niên nhi đồng trên địa bàn toàn tỉnh mới có được một kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích.
Văn Tuấn