YBĐT – Đi lễ đền, chùa – chốn linh thiêng, thanh tịnh để tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân, để cầu an, cầu tài, cầu lộc… đầu xuân đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhưng bên cạnh sự thành kính nơi tôn nghiêm, văn hoá đi lễ đền, chùa cũng đang có phần bị biến tướng bởi chính những người đang mong muốn “sở cầu như ý”.
Sự biến tướng trong đi lễ đền, chùa những ngày đầu xuân vừa qua là việc không đáng có. Đó là tình trạng đổ xô đi hàng loạt đền, chùa với tâm niệm càng đi nhiều càng có dày tài lộc. Thêm nữa là tràn lan lễ lạt. Lễ lớn có nhà đội nguyên cả con lợn đến cúng đền, chùa hay như đốt cả đống vàng mã tiền triệu rồi rắc, nhét tiền lẻ mọi chỗ trong đền, chùa kể cả đầu tượng, tay tượng là việc đang làm mất đi nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Cúng tiền thật trong tâm thức của người Việt mang ý nghĩa như là một chút công đức, là “giọt dầu”, nén hương dâng cúng cũng là niềm hy vọng cầu may mắn. Đây là việc nên làm nhưng phải được thể hiện một cách trang trọng, có văn hóa vì nó mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự trân trọng của người hành lễ ở nơi trời đất linh thiêng.
Đi lễ đền, chùa cái cốt ở sự thành tâm, thể hiện tấm lòng thành kính với các bậc tiền nhân và người có công với đất nước, quê hương. Người có lòng thành vào những ngày đầu năm mới chỉ cần chút lễ nhỏ chứ không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy, chọn nơi mình có thể đến, thắp nén tâm nhang đã thấy lòng nhẹ nhõm. Gia cảnh khó khăn vẫn cố sắm mâm cao cỗ đầy, rồi tiền vàng, bạc giấy, thuê xe đi khắp nơi cầu tài, cầu lộc, cầu công danh…thì chỉ khó khăn thêm chồng chất khó khăn!
Người đi lễ đền, chùa đầu năm là tạm quên đi những bộn bề của cuộc sống thường nhật, cầu mong sự bình an, thư thái trong tâm hồn nơi cửa Phật. Người đi lễ có tâm thế thong dong, lấy chữ thiện, chữ tâm làm đầu và tin tưởng về một năm mới tốt đẹp, vì lời khấn nguyện thành tâm đến được các đấng linh thiêng.
Việc những ngày đầu xuân vừa qua báo giới lên tiếng về sự xô bồ nhộn nhạo trong đi lễ đền, chùa từ Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Hương (Hà Nội); Yên Tử (Quảng Ninh), đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Giầy, đền Trần (Nam Định), đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh)…đều kẹt cứng ô tô, xe máy, người dẫm lên người, lễ chồng lên lễ, vàng mã cháy rừng rực đêm ngày và đặc biệt là tiền lẻ rải tràn lan khắp nơi khiến ngành chức năng và mỗi chúng ta không khỏi suy nghĩ. Đặc biệt, việc đặt tiền khấn vái tại các đền, chùa cũng cần có người hướng dẫn.
Với Yên Bái vừa qua, lễ hội đền Đông Cuông tại huyện Văn Yên cho thấy đã không còn các trò chơi cờ bạc ăn tiền trá hình. An ninh trật tự tại lễ hội đã được đảm bảo. Nhưng lễ hội đông, nhà đền nên đặt bàn ghi công đức ở phía ngoài để thuận tiện hơn cho thiện nam tín nữ có lòng thành. Từ nay đến hết tháng Giêng năm 2012, Yên Bái đang diễn ra các lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên), đền Khả Lĩnh, đền Mẫu Thác Bà (Yên Bình)…Thực trạng các lễ hội trong nước cũng như kinh nghiệm từ lễ hội đền Đông Cuông sẽ giúp các địa phương tổ chức tốt các lễ hội tiếp theo.
Minh Đức