YênBái – YBĐT – Trong mấy năm trở lại đây, các chương trình, mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản của huyện vùng sâu, vùng xa. Từ đó góp phần cải thiện đáng kể trong đời sống sinh hoạt cho phụ nữ. Tuy nhiên, đối với phụ nữ đồng bào thiểu số vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái do tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ còn cao nên việc triển khai các chương trình dự án hỗ trợ, tạo việc làm chưa mấy hiệu quả.
Cách trung tâm huyện Mù Cang Chải hơn 13 cây số, xã Khao Mang có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao dân trí cho người dân, nhất là đối tượng phụ nữ bởi họ là những lao động chính của gia đình. Vậy mà, tỷ lệ mù chữ của phụ nữ trong xã chiếm khá cao. Trong tổng số 601 hội viên tham gia sinh hoạt hội thì có tới 80% số chị em không biết chữ. Đó là số phụ nữ tham gia sinh hoạt, còn một số chị em lấy chồng sớm không sinh hoạt trong tổ, hội thì tỷ lệ mù chữ còn cao hơn nhiều.
Được biết trong những năm vừa qua, Hội phụ nữ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức xóa mù cho chị em tại các xã. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ tổ chức được một lần và mỗi lớp học số lượng học viên tham gia học tập chỉ được 35 – 40 người. Học tranh thủ vào buổi chiều, buổi tối, có khi lớp học phải gián đoạn bởi chị em phải làm mùa. Kế hoạch một lớp học khoảng 3 tháng nhưng có khi kéo dài đến 5 hoặc 6 tháng mới xong. Chính những trở ngại đó đã làm cho cuộc sống của các gia đình hội viên phụ nữ trong xã thêm lấn bấn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu.
Các dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn được triển khai vào xã dường như không hiệu quả. Năm 2007, qua bình xét có 24 hội viên phụ nữ xã được vay vốn để phát triển kinh tế từ nguồn vốn giảm nghèo, mức tối đa cho mỗi hộ là 7 triệu đồng. Riêng năm 2008 qua bình xét đầu năm, 10 hội viên được vay từ nguồn vốn kinh doanh để phát triển kinh tế, mức tối đa cho mỗi hội viên là 30 triệu đồng, lãi suất 0,98%/tháng. Do không biết chữ, để hoàn tất hồ sơ vay vốn, các hội viên hoặc nhờ người thân làm thủ tục vay. Mục tiêu mà Tỉnh hội cũng như Huyện hội mong muốn để chị em dùng đồng vốn phát triển chăn nuôi song thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, trong tính toán nên hiệu quả đạt không như mong muốn.
Còn với Cao Phạ, xã được mệnh danh là cửa ngõ của huyện Mù Cang Chải, điều kiện về giao thông, đất đai phì nhiêu, giáp với cánh đồng Tú Lệ màu mỡ song các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho hội viên hội phụ nữ trong xã cũng không mấy hiệu quả. Ngoài nguyên nhân chung như các xã vùng cao là tình trạng mù chữ trong hội viên cao thì nguyên nhân nữa là những sản phẩm của hội phụ nữ làm ra không có thị trường tiêu thụ.
Được biết, năm 2005, Dự án phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em do Tổ chức Bánh mỳ thế giới tài trợ đã hỗ trợ cho hội phụ nữ xã 5 chiếc máy khâu công nghiệp. Sẵn nghề thổ cẩm, Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã thành lập một tổ hợp dệt thổ cẩm với 20 hội viên là những người có tay nghề. Song do chưa quen với tiến bộ kỹ thuật mới, hơn nữa sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ.
Để bán được những sản phẩm thổ cẩm cán bộ hội phải cử chị em mang sang tận Sa Pa của tỉnh Lào Cai, chi phí cao nên sản phẩm không có lãi, tổ hợp hoạt động được hơn một tháng thì cũng tan rã. Không chỉ có vậy, từ nguồn vốn vay giảm nghèo, từ năm 2006 đến nay có gần 50 hội viên được vay vốn với số tiền giải ngân mỗi năm hơn 300 triệu đồng song chị em không biết tính toán trồng cây gì, nuôi con gì để đồng vốn được sinh lời.
Chung với tình trạng này, tại Hồng Ca và Việt Cường, hai xã vùng sâu của huyện Trấn Yên cũng tương tự. Cuối năm 2007, hai xã được Hội phụ nữ huyện chọn làm mô hình điểm để triển khai công tác xóa mù cho phụ nữ để trên cơ sở đó nhận thức của chị em được nâng lên, biết vận dụng kiến thức, đồng vốn để cải thiện cuộc sống gia đình. Mục tiêu là vậy, song khi triển khai xóa mù cũng gặp tình trạng chị em bỏ ngang chừng hoặc gián đoạn bởi mùa màng nương rẫy. Nhiều chị tự ti mặc cảm nên cũng né tránh không tham gia học tập, xóa xong lại tái mù trở lại.
Đó chỉ là 4 trong số rất nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái mà hướng giải quyết, tạo việc làm cho phụ nữ còn nhiều vướng mắc. Để nâng cao nhận thức cho chị em không phải trong một sớm một chiều mà cần phải có những quyết sách, giải pháp cụ thể và sự chung tay góp sức của các cấp các ngành. Có như vậy các mục tiêu, dự án nâng cao mức sống cho phụ nữ thiểu số vùng cao mới hiệu quả.
Thanh Tân