YBĐT – Một diện tích lớn đất sản xuất ở các địa phương vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đang được người dân sử dụng để trồng lúa nương. Việc trồng lúa nương, trước hết xuất phát từ điều kiện tự nhiên của vùng cao và tập quán canh tác vốn có của đồng bào dân tộc ít người đẻ giải quyết cái ăn hàng ngày.
Ở từng thời kỳ, giai đoạn nhất định, việc trồng lúa nương đã giúp người dân, các địa phương vùng cao tự cân đối một phần lương thực. Vì vậy, trong kế hoạch hàng năm đều giao chỉ tiêu diện tích, sản lượng lúa nương cho các địa phương triển khai, thực hiện. Lợi ích là vậy nhưng trồng lúa nương kéo theo nhiều hệ lụy, đó là: khó quản lý diện tích nương rẫy, một bộ phận người dân lợi dụng phát phá rừng để trồng lúa; thói quen canh tác lạc hậu vẫn bám sâu trong tư duy, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ cơ sở.
Về giá trị kinh tế, trồng lúa nương hiện nay năng suất vẫn “kiên trì” trên dưới 1 tấn/ha, cho thu khoảng 5 triệu đồng/ha/năm trong khi ở vùng cao nhiều mô hình trồng ngô hai vụ cho thu lãi trên dưới 30 triệu đồng/năm, bình quân 15 triệu đồng/vụ, cao hơn gấp 3 – 6 lần trồng lúa nương.
Trong khi đất sản xuất lương thực ở vùng cao hết sức khó khăn do điều kiện tự nhiên, do sự gia tăng nhanh về dân số… thì việc để một diện tích lớn đất nương trồng lúa một vụ với năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế thấp như thời gian qua là rất lãng phí. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng cao, trong đó có giải pháp về quy hoạch sử dụng đất, về chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ, cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, về tư liệu sản xuất cho người dân.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương vùng cao cần điều chỉnh ngay kế hoạch sử dụng đất hàng năm và dài hơi, cần cương quyết chỉ đạo chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nương sang trồng các loại cây lương thực và cây trồng khác (chủ yếu là cây ngô), tiến tới xóa bỏ hẳn việc trồng lúa nương nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Trong số các địa phương vùng cao, Mù Cang Chải đang là huyện đi đầu thực hiện chủ trương này của Tỉnh ủy. Ngay đầu vụ đông xuân 2011- 2012, huyện đã lập kế hoạch chuyển đổi 400 ha/1.200 ha lúa nương sang trồng ngô. Thời điểm này, diện tích chuyển đổi của huyện đã đạt 428 ha, nhiều xã có diện tích đất nương rẫy lớn như Chế Tạo, Hồ Bốn, Lao Chải, Nậm Có, Cao Phạ đã chủ động chuyển đổi mỗi xã từ 50 – 80 ha. Mục tiêu của huyện là là xóa bỏ toàn bộ diện tích trồng lúa nương vào năm 2014, tăng giá trị kinh tế trên đất nương rẫy lên từ 3 – 6 lần so với trước bằng các giống cây trồng khác.
Trong điều kiện vốn có của các địa phương vùng cao, việc chuyển đổi và tiến tới xóa bỏ diện tích nương trồng lúa có ý nghĩa như một cuộc “cách mạng” nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế và hiệu quả canh tác, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là cùng với lãnh đạo, chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ tốt cây trồng vụ đông, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển diện tích trồng lúa nương sang trồng ngô và các cây trồng khác để đi vào sản xuất ngay từ đầu vụ xuân năm 2012. C
ác tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện; coi trọng biểu dương những cá nhân, tập thể, địa phương làm tốt; tăng cường phối hợp, đôn đốc, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng phải thực hiện quyết liệt đối với các địa phương, các ngành liên quan để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ và tăng khối lượng sản phẩm, giá trị kinh tế, hiệu quả sử dụng đất sản xuất ở vùng cao.
Tuấn Anh