YênBái – YBĐT – Về xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái), đến bản Cò Cọi, hình ảnh đầu tiên ghi dấu trong tôi là con đường đất khúc khuỷu, mặt đường nhỏ hẹp, đầy đá viên đá tảng to nhỏ, lô nhô, khiến các phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn. Nằm ngay bên cạnh thị xã Nghĩa Lộ nhưng người dân bản Cò Cọi còn rất nhiều thiếu thốn. Tuy vậy, chính họ lại đang sở hữu một “đặc sản” vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng, đó là suối nước nóng, một địa điểm rất có tiềm năng khai thác du lịch thu hút khách tham quan.
“Nguội lạnh” dòng suối nóng
8 mạch nước nóng tại bản Cò Cọi được phát hiện ra vào những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng bể tắm tập thể với 6 buồng tắm cho người dân. Bằng ngày, việc người dân trong bản tới tắm nước nóng đã trở thành một thói quen, một niềm thú vị riêng, bởi đâu phải vùng đất nào cũng dành được sự ưu ái đó của thiên nhiên. Quả đúng là vậy, mỗi lần nhắc tới du lịch suối nước nóng, nếu là ở trong nước thì cũng phải về tận Kim Bôi (Hòa Bình) hay vào tới Tháp Bà (Nha Trang). Giờ đây, suối nước nóng không còn là xa xỉ không chỉ riêng đối với người dân Yên Bái mà cả với du khách miền Tây Bắc chúng ta. Nhưng để nơi đây trở thành một điểm du lịch thực sự thì vẫn là niềm ước mơ!
Niềm hi vọng mở ra vào năm 1994, khi đoàn dự án của thị xã Nghĩa Lộ về bản Cò Cọi đo đạc, tìm hiểu, cân lên nhắc xuống, dự án có thể triển khai. Bà con cứ mong ngóng như đất lành cứ nằm im chờ đợi. Hơn 10 năm sau, vào năm 2005, lại có một đoàn dự án khác từ Hà Nội về khảo sát. Sau hơn 1 tháng dự toán, cuối cùng đi tới quyết định quy hoạch toàn bộ khu vực rừng cây Nong Náo và suối để xây dựng khu du lịch sinh thái. Lần này, chủ đầu tư đã thuê ông Lò Văn Tiềng – Trưởng bản Cò Cọi trông coi khu đất của dự án, cộng thêm việc mua sơn quét lên mỗi cây Nong Náo để đánh dấu số cây.
Ông Lò Văn Tiềng còn nhận được lời hứa, khi dự án khởi công, nhà đầu tư sẽ quay lại trả cho ông 400.000 đ/ 1 tháng tiền trông coi. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn cứ treo, ông Tiềng không nhận được một đồng tiền công nào mà chỉ nhận được thông báo: “Tạm hoãn xây dựng khu du lịch sinh thái ở bản Cò Cọi”.
Sau những dự án không thành đó, 2 anh em ông Hoàng Văn Dương và Hoàng Văn Dũng, là người dân sống trong bản đã tự bỏ kinh phí để đầu tư vào xây dựng 2 khu nhà tắm dành cho khách. Tuy đầu tư còn nhỏ lẻ và chưa có quy hoạch nhưng “Vào mùa đông mỗi ngày cũng thu được gần 200.000đ. Thỉnh thoảng cũng có đoàn khách nước ngoài, họ đi bộ qua 2km đường đất vào đây, mỗi đoàn có đến 20 – 30 người” – ông Dương cho biết. Thu nhập của anh em nhà ông Dương tiếng là manh mún, nhưng so với bà con bản Cò Cọi, kể cả những người ra thị xã làm thuê cũng là mơ ước.
Cò Cọi đang chiếm một lợi thế lớn về kinh tế mà không phải vùng đất nào cũng có được, nhưng chỉ với những đầu tư nhỏ lẻ từ một số cá nhân, phải chăng con người đang từ chối món quà vô giá mà tự nhiên ban tặng?
10 năm trăn trở 2 km đường
Trên đường vào suối nước nóng, đoạn đi qua thôn 1 và 2 bản Cò Cọi là 2km đường rất xấu, đất đá lô nhô. Nó đúng như một thử thách lớn đối với những người lần đầu tiên đặt chân tới đây. Bởi nếu không vững tay lái thì khi qua đoạn sạt lở nằm kề bên suối ở thôn 2, chúng ta sẽ phải bất ngờ khi thấy mình nhiều khi có cảm giác sẽ bị rơi xuống vực. Nhưng có một điều còn bất ngờ hơn: hàng năm vẫn có những đoàn khách nước ngoài tới thăm suối nước nóng ở Cò Cọi, sẵn sàng vượt qua sự cản trở của đường đất mà đến người đi quen cũng phải nản lòng. Điều đó càng khẳng định thêm tiềm năng phát triển khu du lịch sinh thái Cò Cọi.
Đoạn đường này không chỉ có vai trò quan trọng với suối nước nóng mà nó còn gắn liền với cuộc sống của bà con nơi đây. “Có đường mới là một niềm mong mỏi chính đáng của bà con chúng tôi” – ông Hoàng Văn Dương bùi ngùi. Chỉ 2km đường thôi nhưng đã phải đến gần chục năm nay, mỗi năm phải vài ba lần bà con kiến nghị làm lại, mà đường vẫn xấu.
Đầu năm nay, ông Lò Văn Tiềng (Trưởng bản) ra lời kêu gọi bà con đóng góp tiền của, công sức vào làm lại con đường đã quá xuống cấp. “Bà con ai cũng ủng hộ thôi, ai cũng sợ con đường này quá rồi mà”. Nhưng ngặt một nỗi, theo dự tính ban đầu, trừ công sức bỏ ra, còn phải đóng góp mỗi khẩu 500.000đ. Khoản tiền này là quá sức đối với phần lớn bà con trong bản, những người làm ruộng, bữa cơm hằng ngày chỉ biết trông chờ vào cây lúa. “Nếu Nhà nước không ra tay hỗ trợ thì sẽ không bao giờ thay đổi được con đường” – ông Tiềng thở dài.
Tiếng thở dài của ông Tiềng còn theo tôi suốt dọc đường về, đoạn đường đất lại mấp mô dưới bánh xe “trăn trở”, cảnh vật thật đối nghịch với món quà quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái gửi gắm cho bản Cò Cọi. Nếu ngày mai nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái thì hẳn rằng vùng núi cao Tây Bắc này sẽ thêm một bản nữa bớt nghèo. Và chắc chắn ngày mai chúng ta lại có thêm lý do để tự hào về ngành du lịch tỉnh nhà.
Nguyễn Tươi