YBĐT – Chỉ còn hai ngày nữa, các sĩ tử sẽ bước vào chinh phục đỉnh cao sau 12 năm đèn sách – kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Đây là dấu mốc các em phải vượt lên để quyết định tương lai của mình.
Trên 7.900 học sinh, học viên của Yên Bái đã kết thúc những ngày ngồi trên ghế trường trung học phổ thông với 98,6% tốt nghiệp. Hầu hết các em có đủ điều kiện để tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng.
Hầu hết các em đang tập trung cao độ cho ôn luyện. Gia đình đặt kỳ vọng lớn thì ngay lập tức cho con em đến các “lò” luyện thi ở Hà Nội, phần thì tìm các thầy cô có kinh nghiệm ở địa phương hướng dẫn, bộ phận nhỏ tự ôn hoặc nhởn nhơ “tự tin” vào kiến thức của mình.
Phải quyết tâm vì đây là lúc để các sĩ tử tiếp tục thể hiện ước mơ của mình, là lúc để các em báo đáp quá trình nuôi dưỡng, mong muốn của cha mẹ và công lao dạy dỗ của thầy cô. Đặc biệt, đây là lúc để các em quyết định tương lai, vận mệnh của bản thân để mai này bổ sung cho nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước.
Thi đỗ, sau 4 – 5 năm học tập ra trường với tấm bằng đại học, các em hầu như đều nghĩ đến một công việc đang chờ đón mình. Nhưng sự học lắm gian nan, không phải ai cũng đến đích. Vấn đề đặt ra là: Có nên coi vào đại học là tất cả? Sự mong muốn của các phụ huynh là chính đáng, song sự kỳ vọng liệu có quá lớn trong khi còn có những con đường khác ngắn hơn? Theo Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm nay, cả nước có 1,812 triệu hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, giảm 7,74% so với năm ngoái.
Không phải cả 7.900 em, song Sở Giáo dục – Đào tạo Yên Bái cũng ghi nhận 10.787 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của các sĩ tử trên địa bàn tỉnh. Trừ các bạn không may trượt tốt nghiệp, chắc hẳn đã gửi hồ sơ dự thi không ai muốn chỉ dừng chân ở cổng trường đại học. Nhưng nghịch lý là, số lượng đỗ đại học càng cao thì sau này tìm được việc làm phù hợp với trình độ lại càng không dễ.
Câu chuyện về nguồn nhân lực cho đất nước vẫn đang làm đau đầu các nhà hoạch định, quản lý. Sự mất cân đối trong đào tạo, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thiếu chuyên gia đang là khó khăn của nước nhà. Ở Yên Bái, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế của tỉnh, chất lượng lao động còn thấp (35% lao động qua đào tạo), tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn…
Theo các chuyên gia, cơ cấu đào tạo nghề ở Việt Nam chưa hợp lý: đại học và trên đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92. Trong khi trên thế giới, tỷ lệ này là 1- 4 – 10. Có thể nói, chúng ta đang thiếu công nhân kỹ thuật, thiếu những người thợ lành nghề.
Vậy sao các em không tính toán về mục tiêu dễ dàng đạt được hơn và đơn giản hơn là học nghề, học ở những trường không phải đại học? Quá trình học tập ngắn hơn sẽ giảm gánh nặng chi phí cho bố mẹ và gia đình, cơ hội có việc làm và thu nhập sẽ sớm đến. Tuổi trẻ luôn hoài bão và những khát khao to lớn, nhưng nếu có nhận thức nghiêm túc về việc làm, chắc hẳn nhiều em sẽ tìm đến những công việc cụ thể.
Ở ngay địa phương, không ít trường chuyên nghiệp có thể giúp các bạn có được một nghề. Có thể là cơ khí, xây dựng, kế toán hoặc cao hơn là nghề y, nghề giáo. Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đào tạo đến 15 nghề, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh trên dưới 1.600, Trường Y mỗi năm tuyển khoảng 700 sinh viên, Trường Sư phạm tuyển trên 400 sinh viên… là cơ hội cho không ít bạn trẻ. Sau đó ra làm việc vài năm, có điều kiện các bạn vẫn có thể kiếm tấm bằng đại học.
Bên cạnh đó, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai mấy năm qua cũng đã mang lại hiệu quả nhất định, giúp cho tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, tuy nhiên chưa có nhiều người học ở độ tuổi 18, 19. Tốt nghiệp lớp 12, tại sao không thể ở lại nông thôn khi mà trong tuổi trẻ đã có những mô hình chăn nuôi lợn giỏi, trồng rừng kinh tế, làm dịch vụ nông nghiệp và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công bằng đôi bàn tay và khối óc của mình chứ không phải chờ 4 – 5 năm dùi mài đèn sách ở trường đại học…
Quyết tâm của sĩ tử là cần thiết, song bản thân các em và mỗi bậc phụ huynh cũng cần nhận thức và có mục tiêu đúng mức, cần định hướng và động viên các em trong học tập và hướng nghiệp. Không nên đặt áp lực quá lớn lên vai con em, tránh đề xảy ra tình trạng quá sức để chuẩn bị cho kỳ thi, thậm chí suy sụp cả về thể chất, tinh thần khi mà mục tiêu vào đại học không như mong muốn.
Minh Quang