YBĐT – Qua kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Trung ương, công tác chuẩn bị bầu cử ở Yên Bái đang bảo đảm đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử HĐND các cấp.
Ủy ban MTTQ tỉnh đãtổ chức xong Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, thống nhất số lượng, cơ cấu, thành phần và thông qua danh sách sơ bộ 8 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 (chưa tính đại biểu Trung ương gửi), bảo đảm số dư theo quy định.
Tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII ở 2 đơn vị bầu cử; Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND các cấp tích cực triển khai, tổ chức thực hiện các bước theo đúng quy trình luật định, bảo đảm tiến độ thời gian đề ra.
Trên cơ sở danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã được thông qua tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri ở khu dân cư, nơi công tác với người ứng cử rất quan trọng, là bước tiến tới hiệp thương lần ba, chốt danh sách những người ứng cử.
Sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác là một trong những cơ sở, căn cứ đánh giá tư cách của người ứng cử. Thông qua tổ chức lấy ý kiến, sẽ tìm ra những đại biểu xứng đáng, có đủ đức đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tâm tư của cử tri để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Vấn đề đặt ra là, để tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác với người ứng cử bảo đảm các yêu cầu của luật định, phát huy được tinh thần dân chủ, qua đó để xem xét, đánh giá người ứng cử một cách xác đáng thì việc đổi mới phương pháp, hình thức tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử rất cần thiết.
Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan tổ chức để người ứng cử tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử và để cử tri đánh giá, quyết định ủng hộ những người mà mình tín nhiệm.
Dân chủ trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri cho người ứng cử chính là tôn trọng và bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử và quyền chất vấn, chọn lựa của cử tri với người ứng cử.
Người ứng cử cần có chương trình hành động cụ thể, rõ ràng, thiết thực để báo cáo cử tri; làm cho cử tri thấy được ai là người đủ phẩm chất, năng lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và để tiện cho việc giám sát sau này – nếu ứng cử viên trúng cử.
Cử tri thực hiện quyền dân chủ là thẳng thắn chất vấn những nội dung, chương trình hành động người ứng cử; nêu cao tinh thần trách nhiệm và thật sự công tâm khi nhận xét, đánh giá người ứng cử.
Trách nhiệm của cử tri còn thể hiện trong việc tập trung lắng nghe, tham dự đầy đủ, đóng góp, trao đổi khách quan giữa cử tri với cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của người ứng cử nhằm xác định rõ người đại biểu của mình trước khi bầu cử.
Từ đó, sẽ tập trung phiếu cho người ứng cử đủ tiêu chuẩn đức, tài; không để xảy ra tình trạng bỏ phiếu cho xong khi thực hiện bầu cử.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ tổ chức trong thời gian tới là bước quan trọng tiến tới ngày bầu cử, qua hiệp thương sẽ chốt danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp.
Việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của người ứng cử là khâu hết sức quan trọng; phát huy dân chủ, đổi mới phương thức tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử là yêu cầu đặt ra cần được quan tâm tổ chức thực hiện tốt, góp phần để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tổ chức ngày 22/5/2011 tới đây thành công tốt đẹp.
T.A