YBĐT – Thực phẩm là sản phẩm đặc biệt, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, việc cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng là yêu cầu thiết yếu, hết sức quan trọng.
Sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, trước mắt, có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện ồ ạt và dễ nhận biết, thậm chí gây tử vong nhanh chóng. Còn số đông người tiêu dùng sẽ lâm vào tình trạng tích lũy các chất độc hại ở một số cơ quan, bộ phận của cơ thể, sau một thời gian mới gây bệnh cho cơ thể, đặc biệt là căn bệnh ung thư.
Tại Yên Bái, tình hình chất lượng về an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Chỉ riêng năm 2010 đã có 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 211 người mắc. Trong đó có cả những vụ ngộ độc tập thể và còn rất nhiều vụ ngộ độc nhỏ lẻ, các ca ngộ độc không được khai báo tại cộng đồng, các bệnh truyền qua thực phẩm còn bị bỏ sót tại cơ sở.
Tình hình ngộ độc thực phẩm và nguy cơ ngộ độc thực phẩm đã và đang đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng từng ngày, từng giờ và ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, an sinh xã hội.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, hàng loạt biện pháp đã được các nhà quản lý, các ngành chức năng đã và đang thực hiện từ khâu tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, các nghị định của Chính phủ, các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các qui định về công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm… đến các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song, trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng, rõ ràng ý thức của người chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng vai trò quan trọng, gốc rễ nhất.
Lợi nhuận là cái cần có, nhưng đạo đức kinh doanh mới là điều cần thiết hơn cả. Khi nhà sản xuất thực phẩm đánh đổi đạo đức cho lợi nhuận, sản xuất, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm độc hại, không an toàn thì vi phạm pháp luật là điều hiển nhiên. Thậm chí, nhiều người sản xuất vì biết rõ mười mươi sản phẩm của mình làm ra là độc hại, là không an toàn, họ – những người chủ của sản phẩm ấy, không bao giờ dám động đến thực phẩm do chính mình làm ra nhưng lại cung cấp nó cho hàng loạt người tiêu dùng.
Đó thực sự là hành động đáng bị lên án và nghiêm trị thích đáng. Những nhà sản xuất cần phải biết rằng, họ hoàn toàn có thể chủ động không sử dụng sản phẩm không an toàn do mình làm ra, nhưng không thể không là người tiêu dùng của nhiều sản phẩm thực phẩm khác.
Nếu như ai cũng đánh đổi đạo đức kinh doanh vì lợi nhuận như họ, thì đến lượt chính họ – những nhà sản xuất thực phẩm không an toàn, sẽ trở thành nạn nhân của những sản phẩm không an toàn khác. Trước khi “chờ đợi” ý thức kinh doanh của nhà sản xuất, thì người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức nhất định để có thể lựa chọn những thực phẩm an toàn, bổ dưỡng cho sức khỏe.
Khi nhà sản xuất kinh doanh bằng đạo đức cũng chính là một cách tạo dựng thương hiệu tốt nhất cho mình. Đạo đức kinh doanh của những nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được đặt đúng chỗ, cùng sự vào cuộc của nhà quản lý, cộng hưởng sự sáng suốt của người tiêu dùng sẽ là vòng tròn an toàn cho những thực phẩm sạch từ “trang trại đến bàn ăn”, để người tiêu dùng ăn vào để sống chứ không phải để mắc bệnh.
Thu Hạnh