YBĐT – Để góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Bái đã đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, đưa các tiến bộ KHKT mới áp dụng vào sản xuất.
Những chủ trương, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước đã được tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp. Các lớp đào tạo nghề được mở ngay tại các thôn, bản nên học viên đi lại rất thuận lợi, thời gian mở lớp thường được bố trí không trùng với thời điểm mùa vụ. Sau học nghề, nhiều lao động được hỗ trợ tìm việc làm, vay vốn đầu tư cho sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho gia đình và cộng đồng.
Tuy số lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học nghề có tăng so với trước nhưng so với tổng số lao động được học nghề trong giai đoạn này vẫn chiếm tỷ lệ thấp, chất lượng lao động có trình độ và tay nghề cũng còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tại địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định nhiệm vụ: “Từng bước phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề cho khu vực Tây Bắc”.
Cùng với việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở dạy nghề, tỉnh quyết tâm thực hiện Đề án chuyển đổi Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ thành Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Tây Bắc, trong đó có 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia là: chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ chế biến chè; kỹ thuật máy nông nghiệp. Việc mở rộng quy mô đào tạo, hình thức đào tạo, đầu tư ngành nghề trọng điểm sẽ không chỉ đào tạo nghề có hiệu quả cho lao động 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh mà còn cho các tỉnh lân cận như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La.
Để thu hút được lao động là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, Yên Bái xác định cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn; đề nghị Nhà nước điều chỉnh bổ sung các chính sách không còn phù hợp với điều kiện của người dân sống ở vùng cao, vùng sâu và vùng xa.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách trợ cấp, ưu đãi cho giáo viên trực tiếp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho học viên, đặc biệt là tham gia xuất khẩu lao động.
Đồng thời tạo điều kiện cho các học viên sau học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng KHKT vào sản xuất. Các cơ sở dạy nghề cần tăng cường các nguồn lực đầu tư mua sắm các trang thiết bị, vật tư thực hành, xây dựng giáo trình học nghề theo hướng coi trọng phương pháp thực hành để công tác đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện Đề án, tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo nghề; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo. Có như vậy, mới thu hút được người lao động tham gia học nghề và công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt hiệu quả cao.
Hà Anh