YBĐT – Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước – đây cũng là mấu chốt để xóa nghèo bền vững. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã đưa đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào nghị quyết đại hội Đảng bộ và coi đây là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đề án đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dạy nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 – 2010 được triển khai như bước tạo đà cho công tác xóa nghèo và giảm nghèo bền vững.
Từ chỗ toàn tỉnh có 13 cơ sở dạy nghề, trong đó có 5 cơ sở chuyên về dạy nghề gồm Trường Công nhân kỹ thuật và 4 trung tâm dạy nghề; mạng lưới các cơ sở nghề của tỉnh còn mỏng, hệ thống các trung tâm dạy nghề chưa phủ kín các huyện, thị xã, thành phố; chưa có các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; quy mô đào tạo thấp, cơ cấu đào tạo chưa cân đối; hệ thống cơ sở vật chất ở các cơ sở dạy nghề còn thiếu thốn thì đến tháng 5/2010 đã có 21 cơ sở dạy nghề, gồm 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề, 2 trường trung cấp có hoạt động dạy nghề và 6 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề. Trong đó, có 18 cơ sở công lập và 3 cơ sở ngoài công lập với 244 giáo viên.
Qua giám sát của HĐND tỉnh về lao động, việc làm tại các địa phương có thể thấy: sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật hay qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn thì việc chăn nuôi trồng trọt của bà con có nhiều chuyển đổi tích cực. Chẳng hạn, qua lớp chăn nuôi thú y nông dân biết cách phòng bệnh cho gia súc gia cầm của gia đình và cộng đồng một cách kịp thời và hiệu quả. Ở xã Minh Xuân (Lục Yên), sau lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, bà con đã biết cách ấp trứng gia cầm có lò ấp, sưởi nên tỷ lệ trứng nở và đông đàn cao hơn nhiều lần cách truyền thống; các lớp đào tạo nghề may dân dụng, xây dựng, kế toán… đã giúp người lao động có tay nghề để từ đó có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định tại các công trình, khu công nghiệp, doanh nghiệp…
Tới năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt khoảng 18%, phần lớn đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên – đây là một nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương cùng sự quan tâm hỗ trợ hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bái.
Nhận rõ tầm quan trọng và kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với nhiều chính sách ưu đãi dành cho người học và cả giáo viên, giảng viên, các cơ sở đào tạo nghề; quan tâm đặc biệt tới chế độ, chính sách dành cho đối tượng học là hộ nghèo, có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… Tùy từng đối tượng của Đề án, học viên vừa được tham gia đào tạo nghề miễn phí còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại… Có thể nói, đây là những điều kiện thuận lợi với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Yên Bái.
Cùng với các chính sách, sự quan tâm đầu tư của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm và đặt vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ chiến lược với mục tiêu cụ thể đề ra trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là “Đến năm 2015 phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%”. Đồng thời xây dựng các giải pháp cụ thể như: khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động; tăng cường hoạt động xúc tiến giới thiệu người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu; phấn đấu hàng năm đào tạo trên 18.000 việc làm mới; tăng cường phổ biến hệ thống pháp luật về lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ; thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động…
Song để việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, người lao động phải thông suốt và tận dụng được cơ hội học nghề, đào tạo nghề cho chính mình. Các cấp chính quyền và ngành chức năng cần xây dựng được cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề và mở các lớp đào tạo, trong đó chú ý cơ cấu ngành nghề đào tạo, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu nguồn nhân lực và đào tạo theo địa chỉ.
Thúc đẩy việc liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho lao động tiếp cận nhanh với công nghệ sản xuất tiên tiến, tạo nguồn lao động phục vụ xuất khẩu lao động trong và ngoài nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu và quan tâm đầu tư cho việc học nghề, nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo nghề – trong đó có khu vực nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ngọc Tú