YBĐT – Hiện nay, công tác chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lao động theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm chỉ còn 45% dân số được xác định là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Yên Bái.
Theo số liệu thống kê, Yên Bái hiện có tới 80,91% lao động tập trung ở nông thôn – khu vực, chiếm tới 83,26% lực lượng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực. Điều này đòi hỏi Yên Bái cần tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nền kinh tế của tỉnh theo hướng CNH-HĐH.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 600 lớp đào tạo nghề cho 9.718 lao động với các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp như: trồng trọt, chế biến nông sản, chế biến gỗ rừng trồng, kỹ thuật trồng nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi cá lồng, sản xuất mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm, sản xuất tranh đá quý… Lao động tham gia học nghề đều thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi như: người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác và lao động nông thôn.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động gắn với việc làm và có việc làm sau học nghề đạt gần 70%. Trong 8 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 5.660 lao động, đạt 51%, song chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Để chuyển dịch ngành nghề và cơ cấu lao động ở nông thôn theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm 45% thì việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn cần được chú trọng.
Tuy nhiên, cái khó nhất trong đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT của Yên Bái là tạo được việc làm tại chỗ cho học viên sau khi đào tạo. Bởi nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn chưa phát triển mạnh, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Hơn nữa, rất ít học viên sau học nghề thực sự có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất tại địa phương mà chủ yếu muốn ly hương.
Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, cơ cấu, trình độ lao động qua đào tạo nghề và ngành nghề đào tạo chưa cân đối đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao trong các ngành nghề sản xuất thế mạnh của địa phương. Lao động được đào tạo nghề có khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất và sự phát triển của khoa học – công nghệ còn hạn chế, dạy nghề vẫn theo tư duy cũ, các nghề đào tạo vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Vì vậy, Yên Bái cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân nông thôn tích cực tham gia các lớp học nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động; tập trung khảo sát đúng và dự báo chính xác nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng sản xuất của địa phương; tăng cường gắn kết mối quan hệ giữa địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người nông dân, hướng các doanh nghiệp về nông thôn.
Bên cạnh đó, nên giảm dần các lớp dạy nghề nông nghiệp, tăng dần các lớp nghề phi nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, ưu tiên phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, sử dụng được nhiều lao động, tạo được việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Hà Anh