YBĐT – Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế đã điều tra xác minh làm rõ 248 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với 267 đối tượng vi phạm, số tiền tạm giữ và thu hồi trên 12,5 tỷ đồng.
So với năm 2013, số vụ và đối tượng vi phạm gian lận thương mại bị phát hiện, xử lý đều cao hơn, điều này cho thấy những diễn biến phức tạp của thị trường.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng vi phạm, nhập lậu trên thị trường được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý chủ yếu là hàng tiêu dùng, thời trang, nguyên vật liệu để sản xuất hàng tiêu dùng và nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng như: quần áo, đồ điện tử và các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, buôn bán, khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, việc vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ hợp pháp, không thực hiện ghi nhãn mác, ghi sai quy định chiếm tới 70% vụ việc.
Đặc biệt, tình trạng hàng hóa Trung Quốc nguyên đai, nguyên kiện tuồn từ biên giới về Việt Nam nhưng lại đội lốt hàng Việt Nam, có cả giấy tờ bảo hành đánh lừa người tiêu dùng đang trở nên phổ biến. Đáng lưu ý, nhiều loại nông sản thực phẩm, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hàng công nghệ phẩm, thực phẩm (nội tạng động vật)… được đưa về bán tận các chợ vùng cao, vùng sâu, vùng xa với giá rẻ khiến hàng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, gây ảnh hưởng quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Tết Nguyên đán đang tới gần, đây là thời điểm sôi động nhất của thị trường vì sức mua tăng, vì vậy, việc chủ động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ổn định thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Để làm được điều đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng cần chủ động kế hoạch, phương án đấu tranh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đánh đúng, đánh trúng, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội và mỗi người tiêu dùng để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt được những kết quả như mong muốn, góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định nền kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Phong Sơn