YBĐT – Tính đến 31/12/2013, toàn tỉnh có 1.250 doanh nghiệp, trong đó có 634 công ty TNHH, 297 công ty cổ phần, 277 doanh nghiệp tư nhân, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước địa phương quản lý, 5 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trung ương quản lý.
Đánh giá tình hình phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp năm qua cho thấy: các doanh nghiệp Yên Bái tăng khá nhanh về số lượng, cơ cấu ngành nghề; quy mô vốn kinh doanh đã có sự thay đổi lớn, khoảng trên 250 doanh nghiệp có quy mô vốn kinh doanh theo đăng ký từ 10 tỷ đồng trở lên; các doanh nghiệp đã tự xác định được chiến lược sản xuất kinh doanh, phù hợp với nguồn lực của mình và phù hợp với định hướng đầu tư phát triển của tỉnh nên đã đạt những kết quả đáng khích lệ và có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với sự tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và bằng ý chí quyết tâm cao tự thân, năm 2013, các doanh nghiệp đã nộp ngân sách 593,3 tỷ đồng, chiếm 53,3% tổng thu cân đối trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 27.000 lao động với mức thu nhập bình quân năm 2013 đạt 3 triệu đồng/người/tháng; 535 doanh nghiệp đã tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp của tỉnh vẫn chưa vượt qua được những khó khăn, yếu kém về năng lực do đa số ở quy mô kinh doanh nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế do thiếu các nhà quản lý giỏi… dẫn đến sức cạnh tranh yếu, thiếu sự liên doanh liên kết, dễ bị động trước biến động của thị trường.
Hơn nữa, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế chung nên thời gian qua sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở hầu khắp các lĩnh vực đều gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản (đá khối, quặng sắt, chì kẽm), sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch), chế biến các mặt hàng nông, lâm sản (chè, sắn, gỗ bóc…), vốn lại là các sản phẩm mũi nhọn của địa phương những năm qua. Ở một số lĩnh vực như xây dựng, tư vấn giám sát, chế biến chè, chế biến gỗ… số doanh nghiệp lại phát triển quá nhiều song năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất manh mún nên càng “mong manh, dễ vỡ”.
Để doanh nghiệp hiện có hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương, các ngành chức năng như cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thành lập doanh nghiệp, thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… thì sự vượt khó vươn lên của bản thân doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng.
Để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao nhận thức cho mọi thành viên, không chỉ từ đội ngũ lãnh đạo, quản lý mà cả đội ngũ người lao động về ý nghĩa sống còn của việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm; khơi dậy tính sáng tạo, phát huy trí tuệ của từng cá nhân và tập thể nhằm tìm cách giảm thiểu chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí nguyên liệu, chi phí quản lý doanh nghiệp… Ngoài ra, từng thành viên trong doanh nghiệp cần tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý, trình độ tay nghề.
Để khắc phục tăng chi phí do công nghệ và thiết bị sản xuất lạc hậu như hiện nay vẫn phải đầu tư thay thế một số loại thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, trong điều kiện doanh nghiệp thiếu vốn, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh để đầu tư đồng bộ thì giải pháp đưa ra là phải chủ động trong việc liên kết và hợp tác kinh doanh. Sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau sẽ giúp khắc phục phần nào những khó khăn về tài chính, công nghệ, vốn, thị trường… giúp các doanh nghiệp có thể phát huy nội lực để phát triển.
Quang Thiều