YBĐT – Công đoàn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong doanh nghiệp và với người lao động. Ba nhiệm vụ chính của công đoàn là: bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ; tham gia quản lý doanh nghiệp trong phạm vi quy định của pháp luật.
Công đoàn quan trọng như vậy nhưng trong số trên 1.080 doanh nghiệp ở Yên Bái (tính hết năm 2010) chỉ có trên 10% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn – đó là tỷ lệ rất thấp, cho thấy còn nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác phát triển tổ chức công đoàn khối doanh nghiệp, nhất là đơn vị ngoài quốc doanh.
Tổ chức công đoàn phát triển không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của các doanh nghiệp, trước hết là do công tác tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về lao động cho chủ doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế. Chủ doanh nghiệp chưa nắm rõ, hiểu sâu, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về lao động; người lao động chưa thấy hết trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia công đoàn.
Không ít chủ doanh nghiệp ngần ngại thành lập tổ chức công đoàn vì muốn “né” các khoản nộp chế độ cho người lao động, trích kinh phí công đoàn trên tổng quỹ lương… vì cho rằng ít nhiều làm tăng chi phí doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc một số lượng rất lớn người lao động trong các doanh nghiệp đang chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, chế độ, điều kiện lao động, môi trường làm việc.
Về phía doanh nghiệp, cũng gánh chịu thiệt thòi do không có tổ chức công đoàn đồng hành, tham gia xây dựng, vận hành hệ thống quản lý, tổ chức, phân phối tiền lương. Trong khi, có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp sẽ có “người” giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ của người lao động, từ đó sẽ hạn chế mạnh tai nạn lao động, công nhân hoặc người lao động bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, thoả ước lao động…
Nghị quyết 20 (khoá X) của Đảng về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nêu rõ: “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, hoạt động của các đoàn thể chính trị – xã hội tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…”.
Hơn bao giờ hết, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần nhanh chóng thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII làm mục tiêu, cơ sở thực hiện các chính sách, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, phát triển tổ chức công đoàn – nhất là trong doanh nghiệp. Công đoàn các cấp cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp.
Vấn đề có tính then chốt là công đoàn phải đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò thông qua giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống người lao động.
Tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trên, chắc chắn công đoàn sẽ thu hút ngày càng nhiều công nhân, người lao động, doanh nghiệp tham gia công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào xây dựng Đảng – đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Tuấn Anh