YBĐT – Nhìn lại năm 2013, dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn đạt khá, giá trị sản xuất đạt trên 6.500 tỷ đồng, chỉ số sản xuất tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng mừng, đáng trân trọng, thể hiện sự cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp.
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2014, mục tiêu Yên Bái phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp là trên 7500 tỷ đồng, đây là một con số không phải quá lớn đối với một Yên Bái đầy tiềm năng, lợi thế.
Tuy nhiên, với tỉnh hình hiện nay, nếu chúng ta không tìm ra những giải pháp cụ thể, không có những định hướng và chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp không có một chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế để có thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm thì mục tiêu chúng ta đề ra rất khó có thể hoàn thành.
Theo nhận định, năm 2014 vẫn được dự báo là năm còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp cũng như khai khoáng. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vẫn còn, giá nguyên liệu đầu vào có khả năng tăng cao, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng khó tiếp cận do thủ tục và điều kiện cho vay khá ngặt nghèo, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng hóa tiêu thụ chậm….
Do đó, để sản xuất công nghiệp, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, về chính sách hỗ trợ vẫn cần tập trung vào hạ lãi suất cho vay, điều kiện cũng như thủ tục cho vay. Cần tiếp tục thực hiện giãn, miễn một số loại thuế đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng lượng hàng tồn kho; tăng cường công tác dự báo thị trường giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để có chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, bản thân các doanh nghiệp cũng cần đổi mới về công nghệ, quản trị kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa để thích ứng với xu thế hội nhập.
Trong đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ứng dụng thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp để đủ sức vươn ra thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Cần thường xuyên bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân, quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần cùng các chế độ chính sách cho người lao động để họ yên tâm cống hiến, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao, kỷ luật lao động tốt…
Trong đó, việc các doanh nghiệp chú ý bảo vệ và xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, bền vững, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội là rất cần thiết.
Từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ và giải pháp đúng đắn của tỉnh, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc tích cực của hơn 1.130 doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Chắc chắn trong năm 2014, sản xuất công nghiệp Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển, đạt 3 tăng: tăng giá trị sản xuất, tăng hiệu quả và tăng việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thanh Phúc