YBĐT – Theo một đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam chỉ xếp thứ 16/24 nền kinh tế được nghiên cứu bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học. Sức sáng tạo của Việt Nam còn thua Lào. Điều này cho thấy khả năng sáng tạo – yếu tố quan trọng trong việc củng cố nền kinh
tế phát triển dựa trên tri thức của nước ta còn hạn chế, trong khi hệ thống trường lớp và chương trình giáo dục của Việt Nam được đánh giá đã lỗi thời.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 927 ngày 22/6/2010 thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xã hội học tập giai đoạn 2011 – 2020, chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình xã hội học tập; tiếp đó đầu năm 2013, đồng ý cho phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”.
Mục đích lớn nhất của Đề án là đưa học tập trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội. Ngày 20/01/2014, Tỉnh ủy Yên Bái đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 70-CTr/TU về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tại Chỉ thị số 12/CT-UBND của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2014 – 2015 cũng đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học…
Xây dựng xã hội học tập nhất thiết phải có gia đình, dòng họ hiếu học – tế bào hạt nhân, nòng cốt tạo dựng xã hội học tập. Nhìn lại hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh những năm qua thấy những kết quả đáng mừng. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 34.800 gia đình đăng ký gia đình hiếu học; 536 dòng họ hiếu học. Với trên 3,5 tỷ đồng, bước vào đầu năm học 2014 – 2015, trên 2.000 học sinh giỏi các cấp đã được tuyên dương khen thưởng; hàng chục nghìn học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trao tặng học bổng, được hỗ trợ kịp thời.
Sự phát triển lớn mạnh của mạng lưới trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề, nhất là các tổ chức khuyến học ở các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, các dòng họ đã khuyến khích sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả, khơi dậy và tiếp tục làm vẻ vang truyền thống hiếu học, khuyến học. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội giúp cho tất cả mọi người đều được học tập, học tập suốt đời, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có tri thức của tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Không còn là khẩu hiệu suông, phong trào học tập suốt đời được đẩy mạnh thành phong trào trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội khi mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” đã được triển khai xây dựng thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh như: huyện Trấn Yên, Trạm Tấu và thành phố Yên Bái, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn chung của cả nước và đặc thù của tỉnh để triển khai đại trà vào năm 2016. Mục tiêu đến năm 2020, tăng bình quân 2,5% gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; 40% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 50% cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố) và 60% tổ chức, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”.
Xây dựng xã hội học tập đang là một xu thế được các nước trên thế giới khuyến khích và phát triển. Thực tế, sự học không còn là trách nhiệm của riêng ngành nào, cấp nào. Học tập phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Ngẫm câu Bác Hồ từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi” để thấy xây dựng xã hội học tập là cấp thiết, đúng xu thế, phù hợp với chủ trương và yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay của Đảng.
Phạm Minh