YBĐT – Ngày 26/8/2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 21/2010/ĐQ – UBND về việc Ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái, trong đó quy định cụ thể chi tiết việc đảm bảo môi trường và việc xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường nói chung và do sản xuất công nghiệp nói riêng thì cùng với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cần phát huy dân chủ trong kiểm tra, giám sát của người dân.
Theo báo cáo giải trình của ngành tài nguyên – môi trường trả lời chất vấn của đại biểu HĐND năm 2010 (riêng các cơ sở sản xuất công nghiệp – PV) thì dù không thực sự nhức nhối nhưng hoạt động của các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ít nhiều đều có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong đó, đáng chú ý, 2 cơ sở sản xuất sắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Nhà máy Sắn Văn Yên và Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Yên Bình; 11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường là các cơ sở sản xuất giấy gồm các nhà máy giấy Yên Bình, Minh Quân, Văn Chấn, Yên Hợp, An Bình, Động Quan, Khánh Hoà, Báo Đáp, Âu Lâu, các xí nghiệp giấy Trấn Yên, Mậu Đông cùng 2 nhà máy xi măng, 7 nhà máy nghiền bột đá, trên 150 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản…
Sau khi có ý kiến, kiến nghị của người dân sống trong khu vực và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, điều ghi nhận là các cơ sở sản xuất đã có những biện pháp xử lý vấn đề môi trường. Đó là việc xây dựng các dây chuyền xử lý nước thải, chất thải tại các nhà máy giấy: Minh Quân, Văn Chấn…; nhà máy sắn Văn Yên, Yên Bình, Nghĩa Lộ…; lắp đặt hệ thống hút bụi của Nhà máy Xi măng… Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để trong sản xuất công nghiệp là việc hết sức khó khăn.
Cùng với đó, không loại trừ khả năng các cơ sở để giảm chi phí sản xuất đã không vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường lợi dụng đêm tối, mưa lũ… để tiếp tục xả thải trộm.
Vì vậy, mới có chuyện xử lý rồi mà người dân vẫn kêu ca, phàn nàn nhưng chỉ những ai sống gần khu vực đó mới cảm nhận thấy vì khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì tình trạng lại đã được khắc phục! Có thể minh chứng, đó là nhiều hộ dân thị trấn Yên Bình (Yên Bình) đã bị tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói bụi sản xuất công nghiệp, nhất từ các nhà máy xi măng trên địa bàn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khoẻ, nhân dân đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tương tự như vậy, cứ đến mùa sản xuất sắn (từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), người dân ở thị xã Nghĩa Lộ lại phải sống trong bầu không khí nồng nặc, khó thở bởi mùi sắn thối. Gần đây nhất, một số hộ dân ở xóm Ngòi Xẻ, thôn Liên Hiệp, xã Minh Quán (Trấn Yên) đã có ý kiến về chất thải của Nhà máy Giấy đế Minh Quân (Trấn Yên) gây ô nhiễm, khó chịu…
Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã chỉ rõ: “Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”. Tuy nhiên, để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết, bảo đảm “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…” thì ngành tài nguyên – môi trường cần tiếp tục có những hành động tích cực hơn.
Đó là việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, do việc thẩm định dự án của cơ quan có thẩm quyền chưa chặt chẽ ngay từ khi dự án khởi động đến khi đi vào hoạt động mới phát hiện ô nhiễm môi trường dẫn đến các vi phạm hiện nay.
Vì vậy, thời gian tới cần thực hiện nghiêm quy trình thẩm định đầu tư dự án với các tiêu chí bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 21/2010/ĐQ – UBND về Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái là hết sức cần thiết.
Để các cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm phải phát huy hơn nữa dân chủ cơ sở, đó là sự giám sát của dân. Người dân phải biết được vai trò của mình là tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái.
Nguyễn Đình