YBĐT – Là tỉnh có diện tích chè đứng thứ hai của cả nước, trong những năm qua, chè được xác định là cây trồng mũi nhọn chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng vạn người dân Yên Bái. Song, trên thực tế, đến nay cây chè vẫn chưa thể giúp người dân thoát nghèo và làm giàu.
Cây chè đã có mặt trên đất Yên Bái từ những năm 70 của thế kỷ trước. Chè được trồng nhiều nhất ở huyện Văn Chấn, Yên Bình rồi đến Trấn Yên và Văn Yên, nhưng nhiều nhất vẫn là huyện Văn Chấn với trên 4.000 ha, trồng tập trung ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn và 5 xã vùng ngoài huyện Văn Chấn. Thế nhưng có rất nhiều lý do để lý giải vì sao với diện tích chè lớn thứ 2 cả nước mà người dân không thể sống được bằng cây chè.
Lý do khách quan đó là chè được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là giống chè trung du, năng suất chất lượng thấp, sản lượng không cao, chè đã già cỗi, bên cạnh đó giá cả bấp bênh, sản phẩm chè lên xuống thất thường theo thị trường, năm được mùa chè rớt giá, năm mất mùa chè được giá. Còn lý do chủ quan là chúng ta chưa có mối liên kết giữa “4 nhà”, người nông dân cứ mạnh ai nấy làm, chế biết thủ công không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm chè tốt cũng như xấu, người nông dân chỉ biết chạy theo lợi nhuận, còn nhà quản lý chỉ biết hô hào lý thuyết.
Còn nhớ nạn chè vàng, chè đen năm 2008 đã làm cho người trồng chè điêu đứng, vì lợi nhuận mà người nông dân bấp chấp tất cả miễn sao bán được sản phẩm. Rồi đến nạn chè “bẩn” năm 2010 cũng làm cho sản phẩm chè của Yên Bái mất vị thế cạnh tranh trên thị trường. Tiếp đến là chuyện tranh mua tranh bán sản phẩm khi mà sản lượng chè không đủ công suất hoạt động của các nhà máy những ngày đầu năm, chuyện hái máy, hái liềm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây chè cũng như chất lượng sản phẩm chè…
Tại Hội nghị sơ kết quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2013 của UBND tỉnh Yên Bái, khi nói về việc quy hoạch phát triển vùng chè, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các huyện Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên đều thẳng thắn nhìn nhận vấn đề rằng, dù là tỉnh miền núi, thuần nông, đời sống người dân sống dựa vào cây chè tương đối nhiều song cây chè đến nay cũng chưa thể đem lại cuộc sống no ấm cho người dân.
Được biết, Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về quy hoạch phát triển vùng chè cũng đã phê duyệt cả 10 năm nay với cơ chế hỗ trợ cụ thể cho mỗi ha phá bỏ và trồng mới là 8 triệu đồng, trong đó 3 triệu đồng cho việc phá bỏ, còn lại là tiền phân bón, giống, thế nhưng với một huyện có diện tích chè lớn như Văn Chấn đến nay diện tích trồng và cải tạo mới đạt khoảng 60%, như vậy bình quân mỗi năm chỉ được hơn chục ha, còn lại vẫn là giống chè trung du già cỗi, năng suất, sản lượng thấp.
Dạo quanh một vòng các huyện vùng thấp Trấn Yên, Yên Bình, thời điểm này nhiều diện tích chè đang chết lụi loang lổ chỗ còn chỗ mất, chỗ thì bị người dân chặt phá để trồng rừng, cây lâm nghiệp hoặc chuyển đổi sang trồng sắn, ngô.
Vẫn biết việc chạy theo lợi nhuận của thị trường đã ăn sâu bám rễ vào nhận thức của người dân nhiều năm qua, song chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho người nông dân bởi nhận thức của họ còn hạn chế mà cần phải nhìn nhận tư duy của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý một cách cụ thể hơn, nếu chúng ta biết quy hoạch, biết định hướng vào tạo mối liên kết bền vững “4 nhà” thì có lẽ sẽ không có tình trạng này.
Thanh Tân