YênBái – YBĐT – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ thuần nông sang phát triển một nền kinh tế đa dạng, theo hướng sản xuất hàng hoá là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trên, nhất là khi có Nghị quyết TW 5 (khóa IX) và chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001 – 2010”.
Sau 5 năm thực hiện, kinh tế nông thôn Yên Bái đã chuyển dần từ nền kinh tế thuần nông, tự cung, tự cấp sang nền kinh tế phát triển đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá.
Trong phát triển lực lượng sản xuất, đã tập trung vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong lĩnh vực công nghiệp hướng mạnh vào phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 70 cơ sở chế biến chè, đủ tiêu thụ hết nguyên liệu chè búp tươi cho nông dân. Hai nhà máy chế biến tinh bột sắn, mỗi năm xuất khẩu khoảng 2 vạn tấn, 16 dây chuyền sản xuất giấy đế, mỗi năm xuất khẩu gần 2 vạn tấn. Trên địa bàn nông thôn còn có hàng trăm cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm…
Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn được khôi phục và phát triển, tập trung vào dệt thổ cẩm, đan lát, sửa chữa nông cụ, xay xát lương thực, vận tải nhỏ… Sự phát triển ngành nghề đã giải quyết được việc làm cho hàng vạn lao động nông nhàn.
Hệ thống dịch vụ trong nông thôn khá phát triển, toàn tỉnh có 80 chợ, trong đó 50% là chợ khu vực nông thôn. Nhiều thị tứ, cụm dân cư tập trung được xây dựng, là các điểm dịch vụ hàng hoá, vật tư cho sản xuất và đời sống, góp phần tạo thành thị trường rộng lớn.
Cùng với phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư đúng mức, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và làm cho diện mạo nông thôn có chuyển biến sâu sắc. Trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 287 tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng mới 280 công trình thuỷ lợi, đưa số công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ của tỉnh lên 800 công trình và 550 km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho 85% diện tích lúa. Bằng vốn ngân sách và phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã đầu tư 500 tỷ đồng mở mới, nâng cấp và cải tạo 250km tỉnh lộ; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 80% xã có đường rải nhựa, bê tông hoặc cấp phối. Thêm 18 xã có điện lưới quốc gia, 423 thôn, bản có điện; 51xã có điểm bưu điện – văn hoá xã, 100% số huyện và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được phủ sóng điện thoại di động.
Trong quy hoạch nông thôn đã gắn quy hoạch dân cư với sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng; đã hoàn thành xây dựng 24 trung tâm cụm xã. Các chương trình 135, 134 đã xây dựng hàng trăm công trình phục vụ sản xuất và đời sống, giải quyết đất sản xuất cho 4250 hộ và hỗ trợ đất làm nhà cho 1.912 hộ.
Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông thôn được tăng cường phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Qua điều tra năm 2006 so với năm 2001, số hộ khu vực nông thôn tăng trên 13.800 hộ và số lao động tăng thêm trên 41.700 người. Cơ cấu hộ nông thôn đã có chuyển dịch đúng hướng, số hộ nông nghiệp giảm 2,46%, số hộ tiểu thủ công nghiệp tăng từ 1,37% lên 1,47%, hộ làm xây dựng tăng gấp đôi, số hộ hoạt động thương mại, dịch vụ tăng từ 5,93% lên 7,64%. Số hộ thu nhập chính từ nông, lâm, thuỷ sản giảm từ 90,57% xuống còn 86,46%. Số hộ có nguồn thu nhập chính ngoài nông nghiệp tăng từ 9,43% lên 13,54%.
Kinh tế trang trại của tỉnh tuy giảm về số lượng nhưng đã hướng mạnh phát triển chiều sâu và tỷ suất hàng hóa của trang trại ngày càng tăng. Trong các trang trại thì loại hình trang trại chăn nuôi tăng 6 lần, thuỷ sản tăng 3,7 lần, lâm nghiệp tăng 1,5 lần. Tổng số vốn sản xuất kinh doanh bình quân 1 trang trại tăng gần 133 triệu đồng; tổng thu từ sản xuất kinh doanh tăng 56,53%, trong đó, giá trị sản phẩm, dịch vụ là hàng hóa bán ra tăng 106,75%; tổng thu nhập trước thuế tăng 38,46%.
Trong 5 năm qua đã thành lập thêm 37 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, đưa số HTX dịch vụ nông nghiệp lên 101 HTX, 50 HTX dịch vụ điện và hàng chục HTX ngành nghề. Các HTX nông nghiệp tập trung làm dịch vụ giống, phân bón, thuỷ lợi, thú y; một số HTX vươn lên làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho kinh tế hộ, điển hình như các HTX Phù Nham, Nghĩa An của huyện Văn Chấn. Cùng với kinh tế tập thể, các doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, công ty tư nhân… bước đầu đã hướng hoạt động về nông thôn, tổ chức hàng trăm điểm dịch vụ vật tư nông nghiệp; liên doanh với kinh tế hộ, kinh tế tập thể trong dịch vụ vật tư, hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn cũng còn bộc lộ những bất cập, một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh ủy. Đó là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn rất chậm, số hộ thuần nông vẫn chiếm tới 86,09% tổng số hộ nông thôn. Trong 5 năm khu vực nông thôn tăng thêm 13.834 hộ nhưng số hộ phi sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm có 34%. Số lao động tăng thêm 4,18 vạn người, nhưng số lao động làm ngành nghề, dịch vụ… chỉ có 1,16 vạn. Kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn thiếu và chất lượng thấp. Kinh tế trang trại có xu hướng chững lại, vai trò kinh tế tập thể nhiều nơi chưa rõ nét. Các thành phần kinh tế trong nông thôn phát triển chậm; thị trường nông thôn rộng lớn với trên 80% dân số toàn tỉnh nhìn chung vẫn còn bỏ ngỏ. Kinh tế vùng cao còn nhiều khó khăn, sản xuất tự cung, tự cấp vẫn còn đậm nét.
Từ tồn tại yếu kém trên cho thấy muốn chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển ngành nghề, dịch vụ, các công trình phúc lợi xã hội. Tiếp tục đẩy nhanh quy hoạch cụm dân cư, quy hoạch xã, trung tâm cụm xã.
Có chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ ngành nghề trong nông thôn để khai thác tốt nguyên liệu tại chỗ và giải quyết nhiều việc làm cho nông dân; chú trọng phát triển ngành nghề mới, khôi phục ngành nghề truyền thống, các hoạt động dịch vụ, vận tải. Xây dựng các cơ sở vệ tinh sơ chế nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp. Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.
Tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tập trung vào phát triển thuỷ điện nhỏ, cứng hóa mặt đường, xây dựng và nâng cấp các công trình thuỷ lợi.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho cấp xã; đồng thời tạo điều kiện cho con em nông dân học các trường kinh tế, kỹ thuật của tỉnh và thực hiện tốt việc cử tuyển con em các dân tộc thiểu số học các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành để phục vụ lâu dài ở địa phương.
Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong nông thôn, nhất là doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp, kinh tế trang trại; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ của kinh tế tập thể. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư, để hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất mới. Làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường để nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa có lợi nhất.
Cuối cùng là nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Phối hợp thực hiện tốt giữa các ngành với các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bảo Vân – Minh Lý