YênBái – YBĐT – Những năm qua, được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành và chính từ nội tại cơ sở.
Vấn đề đặt ra là: Làm sao để người dân hiểu chủ trương chính sách, làm sao để người dân làm theo; làm sao để người dân nghĩ rằng làm như thế là làm cho chính họ, làm như thế là bản thân và con cháu họ được hưởng lợi… Chuyện chỉ có thế! Và các chủ trương, nghị quyết được triển khai một cách hết sức bài bản, có chương trình hành động thực hiện với hình thức rất chuẩn mực từ trên xuống. Cán bộ của tỉnh, của huyện và lực lượng của các tổ chức đoàn thể xuống tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn, cùng làm với đồng bào. Nhưng khi cán bộ về, không nhiều thì ít, mọi thứ lại trở về trạng thái vốn dĩ là của nó.
Đến giờ mà vẫn còn tình trạng cán bộ xã ở vùng cao, chưa đọc thông, viết thạo, thậm chí có ủy viên ban chấp hành hội phụ nữ xã tái mù chữ. Trong hội nghị triển khai công tác đoàn thể ở một xã vẫn diễn ra tình trạng văn bản in ấn đàng hoàng, nhưng khi phát biểu lại bằng tiếng địa phương, cán bộ cấp trên dự mà “thiếu” trình độ thì đành nhờ phiên dịch. Xuống bản hỏi chuyện, người dân chỉ một lẽ lắc đầu không biết. Rồi không ít địa phương vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xây dựng những mô hình này, mô hình kia và thực hiện có hiệu quả, song nhân rộng lại không thực hiện được bởi cán bộ và tiền của không thể có để đầu tư cho tất cả.
Đổi mới việc tuyên truyền đến người dân là việc làm tất yếu và đã được “hô hào” từ lâu. Nhưng cũng đã tới lúc phải tính đến hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của trên và thực hiện ở chi bộ, thôn bản cũng cần tránh khuôn mẫu; việc đó làm như thế nào phải căn cứ thực tế cơ sở mà vận dụng. Biết là vùng cao khó khăn, thiếu thốn, nhưng không nên để một đài truyền thanh lại phát chương trình tiếng dân tộc ở ngay trung tâm huyện – nơi mà hầu hết ai cũng biết tiếng phổ thông, trong khi ở xã, ở bản thi thoảng mới có một chương trình, lại chỉ diện hẹp được biết.
Nếu được đầu tư, chắc đài huyện có thể cùng với phòng văn hóa và các xã đưa những chương trình đó vào đĩa, hoặc băng cát-xét để phát thanh ở trung tâm cụm xã hoặc những nơi đông dân cư. Tương tự, người ta cũng có thể làm nhiều hơn những chương trình về cách trồng cấy, chăn nuôi, về kế hoạch hóa gia đình, thực hiện trồng và bảo vệ rừng, hoặc mục tiêu này mục tiêu khác của huyện của xã… Điều cốt yếu là phải nói cụ thể những việc cần làm, làm như thế nào và nói bằng tiếng của đồng bào thì đồng bào mới nghe và hiểu được.
Trong chuyến công tác ở huyện vùng cao mới đây, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo rằng: Từ những việc làm cụ thể gia đình nào ở cùng địa bàn đó đã làm được mà có thể xây dựng những đoạn phim để chiếu cho nhiều người khác xem. Rồi có thể mời chính người đó đi nói chuyện để những người khác nghe theo thì đồng bào dễ tiếp thu, dễ hiểu hơn. Ngay như việc xây dựng những mô hình cũng cần phải có nhiều mô hình ở nhiều mức độ khác nhau. Người có điều kiện, có học vấn cao thì làm những mô hình đầu tư nhiều hơn, người khó khăn thì có những mô hình nhỏ, đơn giản hơn để làm theo. Việc gì cũng phải để cho người dân là người tham gia ngay từ khâu đầu, là người làm chủ và là người đầu tiên hưởng lợi.
Có như vậy, bà con mới nhận thức được kết quả để tiếp tục làm nữa. Phải làm tốt công tác tuyên giáo và dân vận; tuyên truyền vận động gắn với tổ chức thực hiện các nghị quyết; trong lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, đến nơi đến chốn, kịp thời rút kinh nghiệm và khen thưởng những điển hình tốt, làm gương cho đông đảo mọi người cùng tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp ngay từ cơ sở.
Lý Quang