YBĐT – Để các em thiếu nhi có một mùa hè vui tươi, bổ ích, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi…, rất cần sự vào cuộc của chuỗi “mắt xích giáo dục” là gia đình, nhà trường và xã hội.
Đối với gia đình, mỗi khi nghỉ hè, nhiều em được bố mẹ đưa về quê sống với ông bà hoặc họ hàng, người thân, có em được đi tham quan, du lịch, tắm biển. Nhiều em được gửi tham gia các lớp học ngoại ngữ, tin học, lớp năng khiếu của nhà văn hoá thiếu nhi… Song trên thực tế không phải em nào cũng được như vậy.
Nhiều gia đình do cha mẹ mải làm ăn mà quên mất việc quản lý con cái, để các em chơi bời tự do dẫn đến nghiện game và nhiều trò chơi nguy hại khác. Trong khi đó, nhiều gia đình lại coi học kỳ 3 là thời gian “lấp lỗ hổng” kiến thức cho con, ép con học còn hơn chính khóa.
Đối với xã hội, hè đến hầu hết các khu dân cư (khu phố, thôn bản)… đã đồng loạt tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi. Tại đây, tổ chức Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện sao cho các em có học kỳ 3 bổ ích, lý thú nhất.
Tuy nhiên, nhiều nơi sau buổi khai mạc rầm rộ thì công việc này lại “khoán trắng” cho Đoàn thanh niên. Việc kiểm tra, đôn đốc không sát sao nên buổi sinh hoạt, buổi không, các em như “rắn mất đầu” tự tổ chức vui đùa, trong đó có nhiều trò chơi nguy hiểm như đá bóng trên lòng đường, trèo cây hái quả, tắm suối…
Trong khi đó, các anh chị đoàn viên phụ trách, năm nay là người này, năm sau người khác lại không được tập huấn kỹ năng công tác Đội nên đến giờ sinh hoạt buổi tối tập hợp cho các em múa hát mấy bài coi như xong sau đó là giải tán, “chị đi đường chị, em chơi mặc em”.
Một thực tế đặt ra là các thiết chế và cơ sở vật chất cho các em vẫn còn rất thiếu. Thành phố Yên Bái, các điểm vui chơi dành cho thiếu nhi vẫn là những trò chơi đã có hàng chục năm nay, cũ kỹ, nghèo nàn và đơn điệu.Việc thiếu điểm vui chơi và các trò chơi đến nỗi, khi chúng ta xây dựng đài phun nước tại vườn hoa trung tâm tỉnh, em nào cũng đòi bố mẹ đưa đi xem… như là một hiện tượng lạ. Trong khi đó đài lại chỉ hoạt động vào dịp lễ, tết nên nhiều phụ huynh, ông bà khó đáp ứng được yêu cầu của con trẻ.
Trung tâm còn vậy, ở nông thôn còn kém hơn. Điểm vui chơi chủ yếu là các nhà văn hoá của thôn, xóm chỉ mở cửa khi các em đến sinh hoạt vào chiều tối. Tất nhiên, ban ngày các em vẫn phải tự tìm chỗ chơi. Vì vậy, nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra, đặc biệt là tình trạng đuối nước, từ đầu hè đến nay đã xảy ra vài vụ cướp đi tính mạng của nhiều cô, cậu bé xấu số, để lại nỗi đau cho người thân.
Để các em thiếu nhi có một mùa hè vui tươi, bổ ích, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi…, rất cần sự vào cuộc của chuỗi “mắt xích giáo dục” là gia đình, nhà trường và xã hội. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của gia đình, chính quyền và đoàn thể mà nòng cốt là tổ chức Đoàn thanh niên, các địa phương cần làm phong phú hoạt động hè với hình thức đa dạng, hấp dẫn.
Đó là tổ chức các cuộc thi: ca hát, cắm trại, kể chuyện… giữa các thôn bản, tổ dân phố. Có điều kiện hơn thì tổ chức cho các em đi tham quan, du lịch… mở rộng tầm hiểu biết. Động viên các em tham gia các sân chơi dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng do địa phương và trung ương tổ chức mà cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc mùa hè” trên Báo Yên Bái điện tử dành cho lứa tuổi “Nắng sân trường” là một ví dụ.
Bên cạnh đó, các cán bộ Đoàn ở cơ sở cần được tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ để tổ chức, hướng dẫn cho các em vui chơi thiết thực, hiệu quả .
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, hãy tiếp tục quan tâm đến trẻ trong dịp hè! Mỗi một mùa hè bổ ích sẽ rèn luyện kỹ năng, hình thành nhân cách sống cho lứa tuổi trăng non trong bước trưởng thành sau này.
Nguyễn Đình