YBĐT – Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hiểu rộng ra là phải học sử để biết rõ nguồn cội của quốc gia, cương vực và dân tộc mình; biết rõ quá khứ đấu tranh bảo vệ và xây dựng của đất nước mình đã được lịch sử đúc kết để mà kế thừa, phát triển, nuôi dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc. Thậm chí, học sử không chỉ để biết riêng “sử ta” mà còn cả lịch sử nhân loại…
Thực tế cho thấy, những quốc gia phát triển trên thế giới đều đặt nền tảng phát triển của mình trong tiến trình của lịch sử thế giới, lịch sử của quốc gia được nhân lên thành niềm tự hào và sức mạnh tinh thần, trí tuệ của đất nước mình. Nhưng tại sao môn Lịch sử quan trọng như vậy và trước đây vốn là một môn học rất hấp dẫn nay học sinh phổ thông lại không mặn mà?
Con số thống kê về điểm liệt, điểm thấp ở môn thi Lịch sử tại một số kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học đã từng tạo ra những kỷ lục “choáng váng”! Đoạn clip “vô tình biến tấu” về việc học sinh ở một trường THPT tại thành phố Hồ Chí Minh khi nghe tin không thi tốt nghiệp môn Lịch sử đã xé hết đề cương thả trắng sân trường hay chuyện học sinh giỏi tham gia thi chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” và nhiều cuộc thi khác trên sóng truyền hình mà nhiều học sinh không trả lời được các kiến thức lịch sử sơ đẳng… quả là một thực trạng đáng buồn!
Câu hỏi đặt ra là: Học Lịch sử có khó không? Câu trả lời là khó bởi nó khô khan, lại đòi hỏi học sinh phải có tư duy logic. Học lịch sử ở thời kỳ này phải gắn kết sự liên tục với giai đoạn kế tiếp. Học một sự kiện lịch sử phải có sự liên hệ với các sự kiện khác trong bối cảnh chung cùng một khu vực, cùng một quốc gia và các quốc gia khác…, nghĩa là luôn phải có sự liên tục, sự kết nối và đòi hỏi sự kiên trì ở người học.
Chính vì vậy, ý kiến của nhiều nhà chuyên môn cho rằng nên biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử như thế nào cho phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông từng cấp. Bởi lẽ, sách giáo khoa môn Lịch sử hiện tại được biên soạn giống như tóm tắt lại các giáo trình dành cho người lớn hoặc đối tượng học chuyên nghiệp ở lĩnh vực này dẫn đến lượng kiến thức nặng với la liệt sự kiện, khô khan và có lúc còn không logic.
Chúng ta cũng nên đi sâu vào chất lượng giáo dục chứ không nên giáo dục theo kiểu “ứng thí” nghĩa là thi cử nhiều, chỉ chú ý học để đi thi, thi để lấy được điểm cao nên môn nào thi thì được coi trọng còn không thì xem nhẹ.
Như vậy, chúng ta vô tình gieo vào học sinh động cơ coi trọng môn chính và nhẹ các môn phụ. Phương pháp dạy môn Lịch sử cũng cần phải được thay đổi. Số thầy cô giáo có kiến thức vững vàng chuyên ngành Lịch sử, có phương pháp dạy học lôi cuốn, mở ra được phương pháp giúp học sinh học tốt môn Sử hiện nay cũng chỉ “như lá mùa thu” nên khó hút học sinh yêu thích.
Bởi vậy, nên chăng chúng ta vừa phải biên soạn sách giáo khoa có lượng kiến thức phù hợp cho từng cấp học; có thêm các loại sách tham khảo với nội dung hấp dẫn, sinh động về danh nhân đất nước, về biển đảo, địa danh nổi tiếng đất nước, về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, tài liệu về lịch sử địa phương…
Đồng thời, giảng dạy môn này cũng cần biên soạn bằng những giáo án điện tử có hình ảnh sinh động, biểu đồ, sơ đồ có tính logic, ngắn gọn thì học sinh sẽ đỡ bị nhàm chán.
Đặc biệt, chúng ta nên nghiên cứu xây dựng các phim tái hiện lịch sử hoặc những phim tư liệu đã có về các dấu mốc lịch sử quan trọng rồi chốt lại kiến thức từng phần để các em có thêm hứng thú. Ngoài ra, các em có thể học thêm kiến thức lịch sử ở bảo tàng, địa danh lịch sử…
Và điểm quan trọng nữa là chúng ta cần phải xây dựng được một đội ngũ giáo viên dạy Sử bảo đảm giỏi về kiến thức, sáng tạo về phương pháp. Thiết bị giảng dạy hiện đại để giảng dạy giáo án điện tử, chiếu phim tư liệu cũng cần được đầu tư. Làm được như vậy, chắc chắn học sinh sẽ không quay lưng lại với môn học này.
H.N